Các mức độ bão và những điều cần biết về bão để phòng tránh rủi ro
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, bao gồm cả những cơn hình thành tại chỗ và những cơn di chuyển từ Thái Bình Dương vào. Trong số đó chỉ có khoảng 6-7 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong đó, khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình chịu ảnh hưởng của bão và ATNĐ nhiều nhất (29,4%), tiếp đến là khu vực Đà Nẵng Bình Định (22,1%) và Thanh Hóa - Hà Tĩnh (18,2%), Quảng Bình - Thừa Thiên Huế (16,7%) và cuối cùng là khu vực từ Phú Yên trở vào ít chịu ảnh hưởng của bão và ATNĐ nhất (13,6%). Khu vực bắc và Trung Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Định chiếm 57% tổng số bão và ATNĐ đổ bộ vào Việt Nam.
Tại Việt Nam, mùa mưa bão kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12, với những cơn bão hình thành từ biển Đông di chuyển và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhất là các khu vực ven biển. |
Theo thống kê từ 1891 đến 2012 (121 năm), trung bình mỗi năm có 4,74 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam, trong những thập kỷ gần đây tăng lên 6,1 cơn. Bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam phụ thuộc vào sự hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới và muộn dần từ bắc vào nam.
Từ tháng 1 đến tháng 5 có rất ít bão hoạt động trên Biển Đông - chỉ với tần suất 2%, trong đó tháng 1, 2 không có bão và ATNĐ ảnh hưởng. Bão và ATNĐ hoạt động tăng dần qua tháng 6, 7 và tập trung chủ yếu vào tháng 8 đến tháng 11, trong đó tháng 10 thường có nhiều bão ảnh hưởng nhất. Nếu xét về khu vực, thì Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng của bão và ATNĐ sớm nhất. Ngay từ tháng 3, khu vực này có thể chịu ảnh hưởng của bão và ATNĐ.
Bão là gì?
Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão. Còn khi có gió mạnh nhất vùng gần tâm xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) đạt từ cấp 6 đến cấp 7 (39 - 61km/giờ) thì gọi là áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Tùy theo khu vực hình thành mà thuật ngữ bão có những tên gọi khác nhau. Bão hình thành trên Đại Tây Dương là hurricanes; trên Thái Bình Dương là typhoons còn bão hình thành trên Ấn Độ Dương là cyclones. |
Được biết, XTNĐ là một hệ thống khí áp thấp ở vùng nhiệt đới. Áp suất khí quyển (khí áp) trong XTNĐ thấp hơn rất nhiều so với xung quanh. Vùng có khí áp nhỏ nhất được gọi là vùng trung tâm. Ở Bắc Bán cầu XTNĐ có hoàn lưu gió xoáy vào tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, còn ở Nam Bán Cầu thì gió xoáy vào tâm XTNĐ theo hướng thuận chiều kim đồng hồ.
Tùy theo khu vực hình thành mà thuật ngữ bão được gọi bằng những tên khác nhau. Bão hình thành trên Đại Tây Dương gọi là hurricanes; bão hình thành trên Thái Bình Dương là typhoons; Còn bão hình thành trên Ấn Độ Dương là cyclones.
Bão có cấu trúc gồm: Mắt bão - thành mắt bão - hoàn lưu bão.
Cấu trúc một cơn bão bao gồm: mắt bão, thành mắt bão và hoàn lưu bão |
Ngay chính giữa tâm bão là mắt bão, thường là vùng trời quang, gió nhẹ. Tuy nhiên, mắt bão không phải lúc nào cũng quang đãng mà có thể bị mây mù che phủ. Thường các cơn bão mạnh sẽ có mắt bão rõ rệt hơn so với các cơn bão yếu.
Bao quanh mắt bão là thành mắt bão, nơi mây tạo thành một bức tường lên cao (hàng km) và là nơi gió thổi mạnh nhất. Nếu gặp mắt bão thì nên tìm chỗ trú ẩn an toàn. Mắt bão có thể tồn tại khá lâu (hơn 1 giờ) song cũng có thể chỉ trong vài phút.
Hoàn lưu bão là khu vực bên bên ngoài thành mắt bão, tại đây có các dải mây gây mưa. Các dải mây này đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ bay hơi - ngưng tụ nhằm cung cấp năng lượng để duy trì cơn bão.
Một trong các khái niệm được nhắc nhiều trong những bản tin bão, áp thấp nhiệt đới đó chính là sức gió. Sức gió là tốc độ gió duy trì trong một thời gian dài, là căn cứ để đánh giá độ mạnh yếu của bão. Tác hại do bão gây ra chủ yếu do các cơn gió giật, chỉ kéo dài vài giây đến dưới 1 phút nhưng tốc độ lớn hơn hẳn so với sức gió. Do vậy, các bản tin dự báo bão luôn có tin về gió giật, ngoài tin về sức gió.
Nguyên nhân khiến bão xuất hiện?
Điều đặc biệt là các cơn bão chỉ hình thành trên biển, xuất phát từ các vùng khí chênh lệch nhiệt độ hoặc áp suất. Với nhiệt độ nước biển vượt quá một ngưỡng nhất định, khi hơi nước bốc lên đẩy mạnh vòng xoáy theo cả chiều dọc và chiều ngang khiến áp thấp nhiệt đới được hình thành. Và nếu áp thấp duy trì trên vùng nước ấm, nó sẽ mạnh lên thành bão và có thể tăng cấp thành bão mạnh và sẽ yếu dần đi một khi đổ bộ vào đất liền.
Vị trí tâm bão số 3 vào lúc 9h sáng ngày 6/9/2024. Ảnh Windy.com |
Nói một cách dễ hiểu hơn thì bão chỉ hình thành ở các vùng nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m dưới nuớc. Nước nóng tạo nên tình trạng bốc hơi mạnh, mà sự bốc hơi chính là nhiên liệu của bão. Khối khí rất ẩm này sẽ lên cao đến 15 cây số. Ở đó, khí sẽ trở nên lạnh, cô đặc và khiến những đám mây bão không cố định trở nên lớn hơn.
Khi khí lạnh trở xuống, nó lại hút đầy khí ẩm và nóng. Và nó bị hút với tốc độ rất cao vào bên trong ống khí bay lên cao. Sở dĩ có hiện tượng này vì áp suất ở đây thấp hơn những nơi khác. Điều này giải thích tại sao mây cuộn xung quanh ống khói này.
Do trái đất quay, ở Bắc bán cầu là chiều ngược lại của kim đồng hồ, còn ở Nam bán cầu là cùng chiều với kim đồng hồ, nên bao giờ bão cũng quay theo cùng 1 chiều. Nước càng nóng, guồng máy nhiệt độ càng lên cao và gió cũng tăng tốc. Lúc này, bão tăng sức mạnh. Sức của nó đôi khi đạt đến mức tương đương 5 quả bom hạt nhân/mỗi giây. Nhưng ngay khi gặp một dòng nước lạnh hơn hoặc gặp đất liền, bão giảm cường độ vì thiếu khí nóng bốc hơi.
Các cơn bão được đặt tên ra sao?
Các cơn bão ở Biển Đông và Thái Bình Dương được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đặt tên dựa trên cơ sở dữ liệu của Chương trình Bão nhiệt đới thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới.
Cơ sở dữ liệu này bao gồm 140 tên gọi được trình lên bởi các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Campuchia… Philippines cũng góp tên gọi riêng, tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng, địa chất và thiên văn học Philippines (PAGASA) sẽ dùng tên địa phương bất cứ khi nào một cơn bão đi vào Khu vực trách nhiệm (PAR) của nước này.
Ví dụ, khi bão Neoguri hình thành hồi đầu tháng 7-2014, nó được biết đến dưới tên Florita khi đi qua Philippines. "Các chuyên gia dự báo có trong tay một danh sách tên cụ thể để đặt cho các cơn bão. Theo chu kỳ, một cái tên nào đó sẽ được rút ra và thay bằng tên khác" - nhà khí tượng Jim Andrews của trang AccuWeather.com giải thích.
Những bức ảnh của siêu bão Neoguri - cơn bão mạnh nhất ở Tây Thái Bình Dương trong năm 2014. |
Tại Việt Nam, ngoài tên gọi quốc tế thì tên các cơn bão được đặt khá đơn giản theo số thứ tự xuất hiện của cơn bão đó và quay vòng theo từng năm. Ví dụ cơn bão đang trên đường vào Bắc Bộ có tên gọi quốc tế là bão Yagi thì được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước gọi là bão số 3 vì đây là cơn bão thứ 3 đổ bộ vào Việt Nam tính từ đầu năm 2024 đến nay.
Bão thường xuất hiện vào thời điểm nào trong năm?
Bão, áp thấp nhiệt đới thường chỉ xuất hiện vào mùa Hè và mùa Thu tức là từ tháng 6 đến tháng 11 (ở Bắc Bán Cầu) và tháng 12 đến tháng 3 năm sau (ở Nam Bán Cầu), bão thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa Hè và mùa Thu, vì vào thời gian này có đầy đủ các điều kiện thuận lợi nhất cho sự hình thành và phát triển của bão: Nhiệt độ nước biển cao (ít nhất là từ 26 độ C trở lên), khí quyển vùng nhiệt đới khá thuận lợi cho sự phát triển đối lưu và chuyển động xoáy qui mô lớn xảy ra khá mạnh mẽ.
Tại Việt Nam bão thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 12. |
Phân cấp loại loại bão
Theo tiêu chuẩn quốc tế , bão được phân cấp dựa vào sức gió (dựa vào Thang sức gió Beaufort và Thang bão Saffir-Simpson), cụ thể:
- Sức gió dưới 63 km/h gọi là áp thấp nhiệt đới (tropical depression).
- Sức gió trên 63 km/h (cấp 8) gọi là bão nhiệt đới ("tropical cyclone" hoặc "tropical storm")
- Sức gió trên 118 km/h (cấp 12) gọi là bão to với cuồng phong (typhoon)
- Sức gió trên 241 km/h gọi là bão rất to hay siêu bão (super typhoon)
Hướng dẫn phòng chống bão
Theo Trung tâm chính sách và phòng chống thiên tai Việt Nam, khi phát hiện bão thì các cá nhân, tập thể cần ngay lập tức thực hiện các công việc sau:
- Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
- Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo đảm an toàn;
- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;
- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;
- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;
- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
- Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.