Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán: TPB) vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Danh sách này gồm 22 cổ đông, trong đó có 13 tổ chức và 9 cá nhân. Theo đó, Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) là pháp nhân nắm nhiều cổ phiếu TPB nhất với 149 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 6,7% vốn điều lệ TPBank. Đứng thứ hai là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI với tỷ lệ sở hữu 5,9%.

TPBank công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ
TPBank công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ

Ngoài ra, có 11 tổ chức khác sở hữu trên 1% vốn điều lệ TPBank, trong đó nhóm cổ đông SBI Ven Holdings PTE. LTD và người có liên quan đang nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ TPBank, Quỹ PYN Elite Fund (NON-UCITS) nắm 3,59%, Tổ chức International Finance Corporation (IFC) nắm 1,17% và Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited nắm 1,12%.

Như vậy, tổng số lượng cổ phần của nhóm cổ đông nước ngoài tại danh sách công bố là 25,88% vốn điều lệ TPBank (theo quy định hiện hành thì tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam).

Về cổ đông cá nhân, ông Nguyễn Hà Long là cổ đông cá nhân nắm nhiều cổ phiếu nhất với hơn 84 triệu cổ phiếu, tương đương 3,82% vốn. Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 81 triệu cổ phiếu, tương đương 3,71% vốn điều lệ. Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện sở hữu hơn 79 triệu cổ phiếu, tương đương 3,61% vốn điều lệ.

Ngoài ra, ông Đỗ Minh Quân hiện cũng sở hữu hơn 73,5 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 3,34% vốn điều lệ. Cổ đông Trần Cẩm Nhung sở hữu hơn 71,2 triệu cổ phiếu, tương đương 3,23% vốn điều lệ.

4 cổ đông cá nhân khác gồm Đỗ Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Khánh Ly, Đỗ Minh Đức, Đỗ Vũ Phương Anh lần sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 3,07%; 1,85%, 1,11% và 1,11% vốn điều lệ của TPBank.

Theo Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét, TPBank đạt 3.732 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 06 tháng đầu năm 2024, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Với hoạt động kinh doanh khởi sắc, TPBank liên tiếp lọt vào nhiều bảng xếp hạng uy tín. Tại lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 (VNR500), TPBank trở thành một trong 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50)…

Trong các báo cáo gần nhất đối với cổ phiếu TPB, Công ty Chứng khoán KBSV đưa ra khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 22.700 đồng/CP, Công ty Chứng khoán VCBS đưa ra khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 21.873 đồng/CP, trong khi Công ty Chứng khoán MBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 20.850 đồng/CP.

Mới đây, TPBank đã thông tin về việc tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, nâng vốn điều lệ từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.419 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn này đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên TPBank 2024 và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai. Trước đó, vào tháng 7/2024, TPBank cũng đã hoàn thành chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng một cổ phiếu được nhận 500 đồng.