Hà Nội: Gần 2.500 căn hộ chung cư tái định cư trong tình trạng chưa đưa vào sử dụng
Nhà tái định cư là loại hình do Nhà nước cấp để bồi thường khi thu hồi đất của người dân, giúp họ có chỗ ở ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng nhiều căn hộ tái định cư không có người sử dụng tạo ra nghịch lý lãng phí, trong khi nguồn cung về nhà ở tại tại Hà Nội vẫn đang thiếu hụt.
Điển hình, tòa nhà Khu tái định cư N01 - C17 nằm ngay tại ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân (Cầu Giấy). Nằm giữa khu đô thị mới sầm uất tuy nhiên vẫn bị bỏ hoang. Một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Dự án nhà ở tái định cư A14 Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) |
Hiện công trình này đã lộ rõ những dấu hiệu xuống cấp. Những mảng tường bám đầy rêu mốc, lớp sơn phủ cũng đã bong tróc. Hệ thống lan can bằng kim loại đã gỉ sét ít nhiều, càng làm khung cảnh trở nên u ám, xấu xí.
Cách đó không xa, dự án nhà ở tái định cư A14 Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cũng chung hoàn cảnh. Dù đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng sau 8 năm, hai toà nhà nằm ngay mặt đường Mạc Thái Tổ vẫn bị bỏ hoang, không có người sử dụng.
Hai tòa nhà tái định cư khác cao 15 tầng với gần 200 căn hộ đã xây xong phần thô và bỏ hoang không có người ở trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai).
Hay dự án nhà tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) dù hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay ba tòa tái định cư vẫn "đắp chiếu" chưa được đưa vào sử dụng, và đang lộ rõ những dấu hiệu xuống cấp ở một số hạng mục.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có 174 dự án nhà chung cư tái định cư. Trong đó, có 9 dự án tái định cư với gần 2.500 căn hộ trong tình trạng chưa đưa vào sử dụng. Có 2 dự án đã hoàn thành nghiệm thu, đã bố trí tái định cư, chưa đưa vào sử dụng, là dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất NO15,16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và dự án xây dựng nhà B, C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai); 7 dự án đang triển khai dang dở.
Đáng chú ý, 2 dự án nhà chung cư tái định cư đã hoàn thành là khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã bàn giao cho các hộ dân nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có ai về ở. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt…
Dự án nhà tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) dù hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay ba tòa tái định cư vẫn "đắp chiếu" |
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, phần lớn tòa tái định cư thường ở vị trí xa, thiếu gắn kết với nơi đã giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như 5 tòa phục vụ giãn dân phố cổ. Vị trí khu tái định cư rộng rãi hơn, nhưng người dân không có cơ hội kinh doanh. Còn ở phố cổ, họ có thể kiếm vài chục triệu mỗi tháng dù nơi ở chỉ vài m2.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, khi lập dự án tái định cư, cần khảo sát ý kiến và nhu cầu của người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, cần đáp ứng chỗ ở, phương án giải quyết công ăn việc làm, môi trường văn hóa, giáo dục, bệnh viện, chợ, hạ tầng tiện ích phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhiều người dân lo ngại về chất lượng xây dựng, sử dụng vật liệu kém. Do đó, cần giải quyết nỗi lo này của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn sống ở phố cổ Hà Nội cho biết, nằm trong dự án giãn dân phố cổ, ông đã định chuyển tới căn nhà tái định cư ở Long Biên, nhưng khi đến đó ông đổi ý vì xung quanh khu tái định cư tiện ích ít ỏi, chất lượng nhà không như ông mong muốn.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng căn hộ tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội, trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn giữa tháng 5. Giải pháp này được kỳ vọng thúc đẩy dự án xây dựng một triệu căn hộ nhà xã hội, giải quyết số lượng lớn nhà tái định cư bị bỏ hoang lãng phí nhiều năm.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tại một số căn hộ chung cư tái định cư đã hoàn thiện nhưng chưa có người dân đến ở, tuy nhiên tất cả quỹ nhà chung cư tái định cư trên này đều đã bố trí cho các dự án trọng điểm trên địa bàn có thu hồi đất của người dân. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có chủ trương giao cho UBND các quận, huyện hoàn thiện nhanh công tác bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi.
Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian trước đây khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi, bổ sung thì một số khu tái định cư dù đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa hoàn thành công tác nghiệm thu. Một số trường hợp do lo ngại về chất lượng công trình nên người dân đã chủ động xin nhận tiền hỗ trợ, bồi thường, thay vì nhận nhà... dẫn tới tình trạng bỏ hoang của hàng trăm căn hộ trong nhiều năm.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, từ ngày 1/8/2024, khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực thi hành, thì cơ chế hỗ trợ các đối tượng tự lo tái định cư bằng tiền đối với các dự án có chính sách bố trí nhà tái định cư trên địa bàn thành phố là 6,8 triệu đồng/m2 theo Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND được UBND TP. Hà Nội đã hết hiệu lực thì người dân sẽ không được nhận tiền thay cho nhận nhà nữa.
Trước thực trạng trên, để sớm đưa các dự án nhà tái định cư vào hoạt động, khai thác hiệu quả, đại diện Sở Xây dựng cho biết, Sở đã báo cáo, đề xuất UBND TP. Hà Nội một số giải pháp.
Trong đó, đề nghị UBND cấp huyện nơi có dự án, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các thủ tục như điều chỉnh dự án, bố trí vốn, tiếp nhận bàn giao sau khi sử dụng cơ sở thu dung điều trị Covid-19… để hoàn thành thi công xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng chậm nhất trong quý IV/2024.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo tái định cư tại các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố. Các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc thành phố phải bố trí chỗ ở tạm thời…
Đáng chú ý, đối với quỹ nhà tái định cư, nếu sau khi đã bố trí tái định tư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết, thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn. Đối với 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thành phố đã giao Trung tâm quản lý nhà TP. Hà Nội do Sở Xây dựng quản lý, bán nhà tái định cư theo quy định.
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, những dự án nhà tái định cư nếu không được sử dụng, không bảo đảm chất lượng, cần được thu hồi lại và tổ chức bán đấu giá, tạo lập thành nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại để bán cho người dân đang có nhu cầu. Để làm được việc này thì cần phải đồng bộ các giải pháp, trong đó Chính phủ có thể cho TP. Hà Nội một phương án đặc thù.
Việc các dự án luật liên quan đến nhà ở, bất động sản có hiệu lực mới đây, đi kèm những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật đã chính thức có hiệu lực được xem như được gỡ nút thắt về pháp lý cho vấn đề nhà tái định cư bỏ hoang.
Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2023 đã cho phép chuyển đổi công năng sử dụng của nhà tái định cư thành nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 cũng cho phép việc chuyển đổi công năng từ nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới trước khi tiến hành đầu tư xây dựng các dự án chung cư tái định cư, cần làm tốt hơn nữa công tác tham vấn cộng đồng dân cư. Đồng thời, giải quyết nỗi lo về chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình và tiện ích để bảo đảm môi trường sống cho người dân tại khu nhà tái định cư.