Sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm trong và sau đại dịch cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam.

Làm gì để tăng tính cạnh tranh của hàng Việt trên chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu?
Thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh minh hoạ)

Trả lời báo chí, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam cho biết, hiện nay xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô và những vấn đề liên quan đến nội tại. Bên cạnh đó, trước khi đại dịch xảy ra, doanh nghiệp dường như quên mất việc tiếp cận thương mại điện tử khi chỉ tập trung vào các đối tác lớn thông qua trao đổi trực tiếp.

Nói về tiềm năng phát triển thị trường phát triển thương mại điện tử trong nước, ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chia sẻ, đối tượng khách hàng hiện nay chủ yếu là nữ và đang ngày càng trẻ hóa, người mua hàng online tại sàn Coop trung bình mua tổng giá trị sản phẩm cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. Điều đã này chứng tỏ được sức hút của thương mại điện tử trong việc mua sắm, tiêu dùng ngày nay.

Trước những biến động của nền kinh tế cùng với “làn sóng” công nghệ thông tin, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thách thức để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.

Cụ thể, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh, bên cạnh đó cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, sự sáng tạo trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo đều rất cần thiết nhằm thu hút người tiêu dùng. Trong đó, việc để những người mua sắm lớn tuổi tìm đến các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng là những khó khăn đối với doanh nghiệp.

Đáng nói, thương mại điện tử còn gặp thách thức trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc hiểu được tầm quan trọng và cách thức triển khai. Trên thực tế, mặc dù thương mại điện tử đang là kênh bán hàng hiệu quả trên thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Việt khai thác hiệu quả công cụ này, mà chỉ xem đây là kênh bán hàng phụ bên cạnh các kênh phân phối truyền thống.

Trong khi đó, xu hướng phát triển thương mại điện tử hiện nay là tiến tới thương mại số (dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới) và phát triển hệ sinh thái số trên toàn bộ quá trình vận hành và tương tác với khách hàng, đối tác.

Trong đó, phát triển thương mại điện tử bền vững chính là phát triển kinh doanh, cơ sở hạ tầng bền vững, nguồn nhân lực số chất lượng cao, ứng dụng công nghệ để năng cao trải nghiệm khách hàng…

Thời gian qua đã có nhiều chính sách phát triển thương mại điện tử, trong đó Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định một số mục tiêu như: “Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường TMthương mại điện tửĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới…”.