Lãi suất chạm đáy nhưng tiền gửi vào ngân hàng đạt kỷ lục với 12,8 triệu tỷ đồng
Lãi suất chạm đáy nhưng tiền gửi vào ngân hàng đạt kỷ lục với 12,8 triệu tỷ đồng

Cụ thể, tiền của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng. Còn tiền của tổ chức kinh tế đạt 6,834 triệu tỷ đồng.

Với mức tiền gửi này đã đạt kỷ lục mới về tiền gửi ngân hàng trong năm 2023.

Dù lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm từ tháng 3/2023 đến nay và đang ở mức thấp kỷ lục, lượng tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tăng liên tục.

Theo khảo sát, từ đầu tháng 12 đến nay, 25 ngân hàng giảm lãi suất, đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 cao nhất là 5,7%/năm trong khi tháng trước, vẫn còn một vài đơn vị sẵn sàng trả lãi suất từ 6%/năm trở lên cho khoản tiền gửi kỳ hạn này.

Nhóm "Big4" Việt Nam gồm 4 "ông lớn" ngân hàng: BIDV, AgriBank, Viettinbank, Vietcombank đều điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi thêm 4 điểm phần trăm. Tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng có lãi suất chỉ 3,5%.

Cùng điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian gần đây còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)...

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hầu hết các ngân hàng giảm xuống dưới 6%/năm.

Ở chiều ngược lại, tại các bản công bố báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy lượng tiền gửi đạt đỉnh.

Cụ thể: Tại Vietcombank có lượng tiền gửi đạt 1,395 triệu tỷ đồng, tăng thêm 152.200 tỷ đồng so với năm 2022.

Tại VietinBank, tính đến 31/12/2023, tiền và vàng gửi của khách hàng là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2022.

Tại VPBank tổng tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng năm 2023 đạt hơn 442.368 tỷ đồng, tăng thêm 139.200 tỷ đồng so với năm 2022.

Gần đây nhất, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 vào sáng ngày 3/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến nay lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm. Trong đó, lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm. "Lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm vừa qua.

Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để lấy cơ sở hỗ trợ nền kinh tế. Về mặt điều hành, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn".