Lí giải về kết quả này, theo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, trong đó, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750USD/năm (khoảng 63,3 triệu đồng/năm). Riêng Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có hơn 2,4 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 151 triệu đồng/năm. Tính ra, mỗi người dân có thu nhập bình quân 12,5 triệu đồng/tháng là mức thu nhập bình quân đầu người cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Song song đó, tỉnh đã triển khai và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp về nhà ở, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng các thiết chế văn hóa, huy động tốt các nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội, thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững.

Trong quá trình phát triển, Bình Dương cũng luôn thống nhất chủ trương bảo đảm phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển luôn hướng đến mục tiêu vì con người, chú trọng lợi ích của người dân bằng cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, mọi người dân Bình Dương đều được hưởng thụ một cách tốt nhất, đầy đủ nhất từ những thành quả của sự phát triển kinh tế.

Giải mã "hiện tượng" Bình Dương với mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước
Trung tâm hành chính và hội nghị của tỉnh Bình Dương.

Đồng thời, Bình Dương cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người dân sẽ tăng từ 12,5 triệu đồng hiện nay lên 17,5 triệu đồng/người/tháng.

Trước đó, theo khảo sát sơ bộ về mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, cao hơn TP HCM (6,54 triệu) và Hà Nội (5,98 triệu).

5 địa phương khác có mức thu nhập bình quân tháng hơn 5 triệu đồng gồm Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.

Thu nhập bình quân đầu người một tháng cả nước theo giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Trong khi đó, bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng 8%.

Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước là Đông Nam Bộ (hơn 6 triệu), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,75 triệu đồng).

Nếu tính tại khu vực thành thị, thu nhập bình quân đầu người một tháng đạt gần 5,54 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần nông thôn (3,48 triệu đồng).

Nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân đạt 9,1 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất) với mức thu nhập đạt 1,14 triệu đồng.

Tổng cục thống kê cũng cho biết, cơ cấu thu nhập qua các năm đã chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng (chiếm 55%), ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm (chiếm 11%), phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu việc làm.

Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng mỗi người một tháng, tăng 13% so với 2018. Tốc độ tăng chi tiêu năm 2020 thấp hơn so với với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016), cho thấy người dân năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.