Giá xăng dầu trong nước có thể sẽ giảm 1.500-2.500 đồng/lít vào ngày mai (21/3)

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới gần đây có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, ngày 17/3 giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là gần 120 USD đối với xăng RON 92 và gần 124 USD/thùng đối với RON 95, giảm khoảng 30 USD/thùng so với ngày 9/3. Tương tự, giá dầu diesel nhiều thời điểm về mốc 123 USD/thùng trong khi trước có thời điểm vọt lên 176 USD/thùng.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá dầu thế giới tuần qua có thời điểm giảm tới 30% đưa bình quân giá của chu kỳ 10 ngày qua giảm khá mạnh. Do đó, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/3, nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm, mức giảm khi không có sự can thiệp của Quỹ Bình ổn giá sẽ vào khoảng 1.200 – 1.400 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Trong khi đó, giá dầu còn có thể giảm sâu hơn ở mức từ 1.700 – 2.000 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương – Tài chính trích lập Quỹ Bình ổn giá, giá xăng dầu có thể sẽ giảm ít hơn.

Theo đó, xăng 92 có giá 119,7 USD/thùng (giảm 5,8 USD/thùng); Xăng 95 giá 123,6 USD/thùng (5,8 USD/thùng) Dầu hỏa 121 USD/thùng (1,3 USD), Diesel 123 USD/thùng (5 USD/thùng), Mazut 600 USD/thùng (75 USD/tấn)

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Giá dầu thô WTI ngày 20/3 vào khoảng 105 USD/thùng, dầu Brent 108 USD/thùng.

Theo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, do giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nên giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (21/3) cũng sẽ giảm theo. Cụ thể, giá xăng có thể giảm 1.100-1.500 đồng/lít. Tương tự, giá dầu sẽ giảm khoảng 1.900-2.500 đồng/lít.

Tuy nhiên, mức giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/3 còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu của cơ quan điều hành. Nếu sử dụng Quỹ BOG, giá xăng và dầu sẽ giảm cao hơn.

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 7 phiên tăng giá liên tiếp, đưa giá xăng lên mức cao kỷ lục khi xăng RON 95 gần mức 30.000 đồng/lít. Nếu giảm mạnh vào ngày mai, đây là lần đầu tiên xăng dầu quay đầu sau 7 kỳ liên tiếp tăng giá.

Để kìm giá xăng dầu, vừa qua Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao cần phải tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác. "Hết công cụ thuế, phí rồi vẫn không ổn nữa mà giá thế giới tăng cao thì giá mình cũng không thể không cao.

Song để kìm được giá, có thể xem xét việc dùng quỹ an sinh, quỹ bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách đối với những đối tượng hoặc hỗ trợ thuế với những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều xăng dầu", ông Diên nói.