Đất nông nghiệp là gì?

Luật Đất đai năm 2013 có quy định về phân loại đất đai theo mục đích sử dụng. Theo đó đất đai được chia làm hai loại là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Như tên gọi của nó, đất nông nghiệp là đất được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 nhóm đất này gồm đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Quy định pháp luật về đất nông nghiệp

Hình thức, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

Căn cứ các Điều 54, 56 Luật Đất đai năm 2013, đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất đối với hộ gia đình cá nhân. Với hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức thì được Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền. Trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức thì phần diện tích đất vượt hạn mức được Nhà nước cho thuê đất.

Đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền được sử dụng ổn định lâu dài còn được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sử dụng không quá 50 năm theo các Điều 125, 126 Luật Đất đai năm 2013.

Có được phép mua bán đất nông nghiệp được không?

Đối với các quyền của người sử dụng đất là chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp bằng quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, pháp luật quy định một số điều kiện để người sử dụng đất thực hiện các giao dịch này tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013. Các điều kiện đó là người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất), đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất. Đây là điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các loại đất nói chung của người sử dụng đất bao gồm cả đất nông nghiệp.

Ngoài ra đối với giao dịch chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp cần lưu ý về những trường hợp không được nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Điều 191 Luật Đất đai.

Cụ thể : Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa; Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện khi người chuyển nhượng đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng được phép nhận chuyển nhượng thì đất nông nghiệp được chuyển nhượng.

“Mua bán đất nông nghiệp” là ngôn ngữ thường ngày nói đến hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc mua bán đất nông nghiệp được phép thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp như đã nói ở trên.

Xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp bị xử lý như thế nào?

Một trong các nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích theo quy định tại Điều 170 Luật Đất đai. Đất nông nghiệp như trên đã nói là đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và người sử dụng đất nông nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích đó. Do vậy, việc xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Đối với người có hành vi sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Về hình thức và xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các Điều 9, 10, 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó quy định rõ ràng về các hành vi sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp.

Mức phạt cao thấp tùy thuộc vào diện tích đất sử dụng sai mục đích. Ví dụ phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép đất trồng lúa ở nông thôn sang đất phi nông nghiệp với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta căn cứ điểm đ, khoản 2, Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Đối với người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức hình phạt cao nhất cho người phạm tội này là phạt tù đến 07 năm.

Với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền mà cho phép người dân sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích cũng bị xử lý tương tự như người sử dụng đất. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vụ lợi, tham nhũng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 15 năm. Ngoài ra những người này còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ công chức như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc…