Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) đã có báo cáo gửi Sở Giao thông vận tải TP về xây dựng phương án ban đầu vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Giá vé metro số 1 được tính toán dựa trên hai kịch bản về sản lượng hành khách đi lại trên tuyến metro số 1 những năm đầu đưa vào khai thác, cụ thể:

Kịch bản thứ nhất: Dự báo theo báo cáo nghiên cứu khả thi sản lượng đạt 175.391 lượt/ngày. Kịch bản này được đánh giá tính khả thi không cao do các dự án kết nối, quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa được xây dựng đồng bộ, nhu cầu đi xe công cộng giảm…

Kịch bản thứ hai: Dự báo theo nhu cầu đi lại hiện hữu với sản lượng đạt 67.967 lượt/ngày. Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá nếu đẩy nhanh dự án kết nối mạng lưới xe buýt gom có thể làm tăng lượng khách đi lại lên 110.000 lượt/ngày.

TP HCM dự kiến miễn phí vé đi metro số 1 cho một số đối tượng ưu tiên như trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người trên 70 tuổi, người có công với cách mạng,…
TP HCM dự kiến miễn phí vé đi metro số 1 cho một số đối tượng ưu tiên như trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người trên 70 tuổi, người có công với cách mạng,…

Về giá vé năm đầu, MAUR đề xuất 9.000 - 23.000 đồng/lượt (cao hơn đề xuất trước đó là 7.000 - 12.000 đồng/lượt), thay đổi theo cự ly chuyến đi. Giá vé tích tiền (nạp tiền trước vào thẻ đi tàu) gần 6.500 đến hơn 17.000 đồng/lượt (bằng 75% giá vé lượt).

Đối với vé ngày có hai loại: 46.000 đồng/ngày và 104.000 đồng/3 ngày. Loại vé này không bị giới hạn lượt đi lại. Khách đi lại nhiều có thể chọn mua vé tháng 320.000 đồng/tháng. Học sinh, sinh viên được giảm 50% khi mua vé tháng, còn 160.000 đồng/tháng.

TP HCM dự kiến miễn phí vé đi metro số 1 cho một số đối tượng ưu tiên như trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người trên 70 tuổi, người có công với cách mạng,…

Qua thống kê, tổng chi phí vận hành metro số 1 năm đầu tiên 1.153 tỉ đồng, trong khi ước tính doanh thu đạt khoảng 224,9 tỉ đồng (tính theo sản lượng 67.967 lượt/ngày). Do vậy, metro số 1 cần ngân sách TP HCM trợ giá (bao gồm cả khấu hao thiết bị, lợi nhuận định mức) là 928,4 tỉ đồng trong năm đầu tiên khai thác thương mại.

Ở các năm sau, tiền trợ giá từ ngân sách sẽ giảm dần khi đáp ứng điều kiện kết nối (buýt gom..), nâng cấp hệ thống thu phí tự động, đồng thời tăng cường các chính sách khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng...

Được biết, tuyến metro số 1 dài 19,7km có tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023. Dự kiến, metro số 1 chạy 300 chuyến tàu/ngày, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa chở khoảng 930 khách. Chuyến đầu tiên xuất phát 5h, chuyến cuối cùng lúc 23h. Về tần suất, giờ cao điểm 4 - 5 phút có một chuyến tàu xuất phát, giờ thấp điểm 10-15 phút/chuyến.

Trong thời gian đầu vận hành, tuyến metro số 1 vẫn sẽ sử dụng hệ thống thu phí tự động AFC hiện hữu, còn hệ thống thu phí tự động sau khi được nâng cấp bổ sung bao gồm thiết bị phần cứng, hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp phần mềm... và chạy song song với hệ thống AFC sau này. Tại mỗi nhà ga sẽ lắp đặt thêm ít nhất 2 cổng soát vé (1 cổng vào, 1 cổng ra) cạnh các cổng hiện hữu.

Trước đó, MAUR nhận định hệ thống AFC của tuyến metro được thiết kế cách đây 12 năm và đang tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, hệ thống hiện chỉ hỗ trợ ba loại vé, gồm: vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Các loại vé này không định danh, nên chưa thể áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, khuyết tật... Do đó, chủ đầu tư Metro số 1 đề xuất nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) theo một dự án riêng với chi phí 159 tỷ đồng với lý do làm như vậy sẽ không ảnh hướng đến tiến độ chung toàn tuyến metro.

Theo MAUR, hệ thống thu phí sau khi được nâng cấp sẽ mang đến nhiều tiện ích như mua vé qua thẻ tín dụng, ví điện tử, mã QR; liên thông với xe buýt, BRT; giúp dự án được khai thác hiệu quả khi hoạt động từ năm sau.