15 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện siêu biến chủng Omicron

Canada mới đây đã phát đi thông báo nước này ghi nhận ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên là những người trở về từ Nigeria. Cụ thể, tỉnh Ontario đã xác nhận 2 trường hợp mắc biến chủng Omicron ở Ottawa, cả hai đều là những người đến Nigeria gần đây. Hiện Cơ quan Y tế Công cộng Ottawa đang tiến hành truy vết tiếp xúc và các bệnh nhân đang được cách ly.

Siêu biến chủng Omicron đã xuất hiện tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ

Cùng ngày 28/11, Bộ Y tế Pháp cho biết đã phát hiện 8 ca nghi mắc biến chủng Omicron trên cả nước - các trường hợp này được cho là có thể bị nhiễm biến chủng Omicron khi đến khu vực phía nam châu Phi trong 14 ngày qua. Quốc gia này cũng tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19.

Sau các trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Botswana và Nam Phi vào tuần trước. Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron bao gồm: Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Áo, Bỉ, Đức, Italia, Israel, Hà Lan, Séc, Australia, Đan Mạch, Pháp, Canada.

Để ngăn chặn và làm chậm đà lây lan của biến chủng Omicron, toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều đã dừng đường bay đến 7 nước Nam Phi.

Được biết, với tư cách là nước đang giữ chức Chủ tịch nhóm các nước phát triển G7, Anh sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn của Bộ trưởng Y tế các nước G7 trong ngày 29/11 theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận về tình hình và cách ứng phó với biến thể Omicron.

Siêu biến chủng Omicron là gì?

Biến chủng Omicron (hay B.1.1.529) là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. WHO vừa xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại" cần nghiên cứu về mức độ gia tăng lây nhiễm hoặc kháng vaccine, né miễn dịch. Omicron gây lo ngại bởi có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay.

Siêu biến chủng Omicron đã xuất hiện tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ
Bệnh viện Bambino Gesu (Italia) đã công bố bản vẽ mô tả về biến chủng mới để so sánh giữa Omicron và Delta.

Ngày 27/11, bệnh viện Bambino Gesu (Italia) đã công bố bản vẽ mô tả về biến chủng mới để so sánh giữa Omicron và Delta, một trong những chủng nguy hại nhất của virus SARS-CoV-2.

Bệnh viện này cho biết, biến chủng Omicron có khoảng hơn 40 đột biến (số đột biến ở biến chủng Delta chỉ là 18), trong đó hơn 30 đột biến nằm ở protein gai, khiến nó khác biệt hẳn so với virus gốc. Các nhà khoa học gọi đó là chùm đột biến bất thường khi Omicron có các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến chủng từ trước tới nay. Các nhà khoa học lưu ý rằng những biến đổi này cho thấy virus có thể đã trở nên thích nghi tốt với con người.

Theo các nhà khoa học và đại diện các hãng dược phẩm, thế giới cần ít nhất 2-3 tuần phân tích mới có thể có các hiểu biết đầy đủ hơn về đặc tính của biến chủng Omicron.

Những nghiên cứu mới nhất chỉ mới chứng minh được tốc độ lây lan nhanh của biến chủng mới, chứ chưa thể xác định mức độ kháng vaccine của biến chủng này.

Hãng dược phẩm Moderna mới đây cho biết họ dự kiến ra mắt loại vaccine Covid-19 được cải tiến công thức dành riêng để chống biến chủng đáng quan ngại Omicron vào đầu năm 2022.

Chính sự bất bình đẳng vaccine Covid-19 đã tạo ra biến chủng Omicron?

Dù lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ biến chủng Omicron có nguồn gốc từ đâu và liệu có phải nó được đưa tới Nam Phi từ một nước nào khác trong khu vực hay không.

Điều mà các nhà khoa học biết được là SARS-CoV-2 dường như có xu hướng đột biến ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ lây lan cao. "Omicron có thể đã hình thành ở một quốc gia khác và được phát hiện ở Nam Phi, nước có năng lực giải trình tự gen. Omicron có thể là hậu quả của một đợt bùng dịch ở nơi nào đó thuộc khu vực cận Sahara ở châu Phi, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và thiếu công nghệ giám sát gen", Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nhận định.

Siêu biến chủng Omicron đã xuất hiện tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ
Theo WHO, chỉ có 7,5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, tại các nước thu nhập cao, 63,9% dân số đã tiêm ít nhất một liều.

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, sự xuất hiện của các biến chủng mới, bao gồm Omicron là, "hậu quả tự nhiên của việc quá chậm trễ tiêm chủng cho toàn thế giới".

Ông Michael Head cũng cho biết, những biến chủng gây ra vấn đề trong quá khứ đều xuất phát từ những khu vực có ổ dịch quy mô lớn, không thể kiểm soát như Alpha lần đầu bị phát hiện ở Anh hay Delta lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chỉ có 7,5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, tại các nước thu nhập cao, 63,9% dân số đã tiêm ít nhất một liều.

Ngoài sự chênh lệch trong việc tiếp cận nguồn cung, tâm lý e ngại vaccine cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phủ vaccine bị chậm chạp. Mặc dù vậy, ông Head cho rằng, việc các nước thiếu khả năng tiếp cận với vaccine là vấn đề lớn.

Dù WHO đặt mục tiêu 40% dân số các nước được tiêm chủng vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022 dường như khó có thể đạt được với diễn biến hiện tại.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng nhận định, sự thất bại của thế giới "trong việc tiêm vaccine cho người ở nước đang phát triển đang quay trở lại ám ảnh chúng ta".

Còn Jeremy Farrar - Giám đốc tổ chức từ thiện về nghiên cứu sức khỏe Wellcome Trust, cho biết biến thể mới cho thấy lý do tại sao thế giới cần đảm bảo sự tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine và các công cụ y tế công cộng khác. "Bất bình đẳng sẽ kéo dài đại dịch", ông Farrar nhấn mạnh.