HĐQT CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: mã chứng khoán SJF) vừa thông qua việc thoái toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP Đầu tư và Xây dựng TONA. Nếu thành công, Xây dựng TONA không còn là công ty liên kết của SJF.

SJF giao Ban Tổng Giám đốc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng cổ phần của Xây dựng TONA trong năm 2024 với giá chuyển nhượng từ 1,000 - 20,000 đồng/cp.

Tại thời điểm 30/06/2024, SJF có 2 công ty con gồm CTCP BWG Mai Châu sở hữu 96.54%, CTCP Sunstar Ecotech Việt Nam đang sở hữu 93%; và một công ty liên kết là Xây dựng TONA sở hữu 49%.

Đáng chú ý, SJF muốn thoái sạch vốn tại công ty liên kết này trong bối cảnh Đầu tư Sao Thái Dương vừa duyệt phương án góp vốn vào CTCP Hạ tầng staBOO Việt Nam, với số tiền dự kiến góp là 200 tỷ đồng hồi giữa tháng 8 vừa qua.

Nếu thực hiện đúng kế hoạch, vốn điều lệ của Hạ tầng staBOO Việt Nam sẽ được nâng từ 36 tỷ đồng lên 236 tỷ đồng, trong đó SJF sở hữu 84.75% vốn.

Sao Thái Dương (SJF) thoái vốn khỏi Tona
Ảnh minh hoạ

CTCP Đầu tư và Xây dựng Tona được thành lập vào năm 2010, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà và hạ tầng kỹ thuật. Địa chỉ hiện tại ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, tương ứng 30 triệu cổ phần, và Sao Thái Dương nắm 49%, tương ứng 14,7 triệu cổ phần. Như vậy, số cổ phần chào bán sẽ có giá trị từ 14,7 - 294 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6, toàn bộ 147 tỷ đồng đầu tư của Sao Thái Dương vào Tona đã "mất trắng". Lý do được đưa ra là Tona đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hồi các khoản đầu tư trong tương lai và chưa rõ khi nào tình hình mới cải thiện. Vì vậy, Sao Thái Dương quyết định trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư.

Ở diễn biến khác, HoSE cũng vừa có quyết định đưa cổ phiếu SJF vào diện cảnh báo kể từ ngày 24/09/2024. HoSE cho biết do SJF chậm nộp BCTC bán niên năm 2024 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời gian quy định nên thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo.

Thực tế, cổ phiếu SJF vẫn chưa được giao dịch trở lại kể từ ngày bị đình chỉ 13/11/2023, đồng thời còn nằm trong diện cảnh báo và kiểm soát do BCTC kiểm toán 2 năm liên tiếp (2022-2023) có ý kiến ngoại trừ và lỗ ròng 2 năm liên tiếp; bị cảnh báo vì lãi sau thuế chưa phân phối tại BCTC kiểm toán 2023 là số âm; và giữ nguyên diện đình chỉ giao dịch do chưa đáp ứng quy định ra khỏi diện này.

Về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, SJF lỗ ròng 8,2 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 320,4 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm từ 792 tỷ đồng xuống còn 346,3 tỷ đồng. Công ty đang có khoản nợ vay 163 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt chỉ còn vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng.

Phần lớn tài sản của Sao Thái Dương nằm ngoài doanh nghiệp, bao gồm các khoản cho vay ngắn hạn 253 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn 291,6 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Cát Tường Thiên Tân Lạc là con nợ lớn nhất. Báo cáo bán niên 2024 không thuyết minh chi tiết, nhưng báo cáo kiểm toán năm 2023 cho thấy công ty đã cho nhiều cá nhân mượn tiền mà không có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, Sao Thái Dương nằm trong danh sách các đơn vị chậm đóng các loại bảo hiểm như BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên, theo cập nhật vào tháng 8/2024 trên địa bàn TP Hà Nội. Công ty đã chậm đóng bảo hiểm 2 tháng, với số tiền nợ hơn 18,7 triệu đồng.