Ngày 3/10, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,56% và 1,58%, đóng cửa tại mức 31,92 USD/ounce và 1.016,8 USD/ounce. Giá hai mặt hàng này tiếp tục được hưởng lợi trong phiên hôm qua khi lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư trú ẩn an toàn.

Cụ thể, cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhắm vào Israel hôm thứ Ba đã gây nên tình trạng căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông. Tổng thống Israel - Benjamin Netanyahu sau đó cũng tuyên bố sẽ trả đũa hành động này của Iran. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, một cuộc chiến tranh toàn diện tại đây có thể diễn ra, đe dọa đến an ninh khu vực.

Thị trường kim loại xanh nhờ hỗ trợ kép từ vĩ mô và cung - cầu

Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng ghi nhận mức biến động khá hẹp do thanh khoản thị trường thấp khi Trung Quốc đã bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Tuy vậy, các mặt hàng vẫn giữ vững sắc xanh của phiên trước đó. Trong đó, giá đồng COMEX tiếp đà tăng với mức tăng 1,31% lên 10.249 USD/tấn. Bên cạnh lực hỗ trợ từ các động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ nhu cầu tăng mạnh trong trung và dài hạn là những điểm sáng thúc đẩy cho đà tăng của giá đồng.

Trong dự báo mới đây, công ty khai thác khổng lồ BHP cho biết đến năm 2050, lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sẽ chiếm 23% nhu cầu đồng toàn cầu, tăng từ mức 7% hiện tại. Lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm các trung tâm dữ liệu, 5G, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và blockchain, dự kiến ​​sẽ chiếm 6% trong tổng nhu cầu đồng, tăng từ mức 1% hiện nay. Ngoài ra, BHP cũng dự báo mức tiêu thụ đồng toàn cầu sẽ tăng trung bình thêm 1 triệu tấn mỗi năm cho đến năm 2035.

Trong diễn biến khác, giá niken LME nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp với mức tăng 2,5% lên 18.153 USD/tấn, duy trì ở vùng giá cao nhất trong hơn hai tháng trở lại đây. Giá niken đang được hỗ trợ gần đây chủ yếu là nhờ sự cải thiện trong tâm lý thị trường sau khi Trung Quốc công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay, kết hợp với một số lo ngại về nguồn cung. Theo Reuters đưa tin, nhà sản xuất niken hàng đầu Trung Quốc Tsingshan đã cắt giảm sản lượng ferronickel tại Indonesia do tình trạng thiếu quặng dai dẳng.