Cụ thể, trong quý II, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.078 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. ‏‏Tuy nhiên, giá vốn tăng 2% lên 1.547 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm xuống 531 tỷ. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 25,5% từ 29% trong quý II/2022.

Bù lại, doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên 58 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng mạnh của lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá.

Sau thuế, Habeco báo lãi 188 tỷ đồng, giảm 8% so với quý II/2022. Tuy nhiên, kết quả này đã khả quan hơn rất nhiều so với quý I lỗ 3,7 tỷ.

Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 3.251 tỷ, lợi nhuận sau thuế 185 tỷ đồng. Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. Như vậy, Habeco đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản ghi nhận ngày 31/6/2023 hơn 7.282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt 309 tỷ, tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn 3.361 tỷ đồng. Khoản tiền gửi tương đương 46% tổng tài sản này đã mang về cho Habeco gần 56 tỷ tiền lãi trong quý II. Ngoài ra, đơn vị này còn có các khoản phải thu ngắn hạn 582 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 725 tỷ.

Tính đến hết quý II, Habeco đã rót 223 tỷ đầu tư vào 6 công ty con là Bia Hà Nội - Kim Bài, Vận tải Habeco, Đầu tư Phát triển Habeco, Harec Đầu tư và Thương mại, Thuỷ tinh San Miguel Yamamura Hải Phòng và Bao bì Habeco.

Bên kia bảng cân đối, Habeco ghi nhận tổng nợ 1.837 tỷ, vay và nợ thuê tài chính chỉ chiếm một phần nhỏ với 52 tỷ. Khoản nợ lớn nhất là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước với 545 tỷ. Vốn chủ sở hữu 5.445 tỷ, trong đó còn 927 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Bia Hà Nội: Mỗi ngày lãi ròng 2 tỷ, gần nửa tài sản là tiền gửi ngân hàng. Ảnh minh họa: Habeco
Bia Hà Nội mỗi ngày lãi ròng 2 tỷ, gần nửa tài sản là tiền gửi ngân hàng. Ảnh minh họa: Habeco

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng; giảm lần lượt gần 14% và 56% so với năm ngoái. Habeco dự kiến chia cổ tức 8% năm 2023.

Trước đó, năm 2022, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính của Habeco là 6.938 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 517,5 tỷ đồng, tăng 88,2% so với kế hoạch và tăng 37,3% so với cùng kỳ. Với kết quả kinh doanh khá khả quan, Habeco dự kiến chia cổ tức 15% bằng tiền mặt.

Ông Ngô Quế Lâm, Tổng giám đốc Habeco cho biết, trong năm 2022, thu nhập của người tiêu dùng giảm sau dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến sức mua những sản phẩm không thiết yếu như bia, rượu, nước giải khát.

Vì vậy,dù đã có những thuận lợi nhất định trong quá trình kinh doanh nhưng để đạt được mức sản lượng tiêu thụ như những năm trước dịch, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành bia rượu.

Theo đánh giá của Habeco, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Thêm vào đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm.

Báo cáo tài chính quý I/2023 cũng phản ánh phần nào khó khăn mà doanh nghiệp hiện đang gặp phải. Cụ thể, doanh thu quý I/2023 của Habeco đạt 1.173 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 3 năm, kể từ quý I/2020.

Nhận định về ngành bia năm 2023, báo cáo của SSI Research cho biết, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia sẽ quay về mức bình thường (tức là tăng trưởng một con số) trong năm 2023, ổn định sau mức cơ sở cao của năm 2022.

Nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Vì tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

“Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi vẫn kỳ vọng du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, điều này có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa”, SSI Research viết trong báo cáo.