Dư thừa 50 triệu nhà trống - Ngành bất động sản Trung Quốc đối mặt với 'khủng hoảng'
Dư thừa nhà trống, các chủ nhà đang "ngồi trên đống lửa". Ảnh: AFP

Liu Hong (36 tuổi) và cha mẹ có 4 ngôi nhà ở các thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc, 3 trong số đó thường không có người ở trong thời gian gần đây.

Liu làm kiểm toán viên ở Thượng Hải, đã mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, phía Bắc tỉnh Hắc Long Giang cách đây 13 năm với giá 320.000 nhân dân tệ (khoảng 1,1 tỉ đồng). Căn hộ này chỉ cách nơi ở của cha mẹ cô hai dãy nhà. Tại thời điểm này, cách suy nghĩ như gia đình Liu rất phổ biến ở Trung Quốc.

”Bố mẹ tôi khăng khăng tôi nên có nhà riêng vì họ tin rằng chắc chắn rằng một ngày nào đó tôi sẽ quay lại và sống ở Cáp Nhĩ Tân, hoặc tôi có của hồi môn trước khi kết hôn. Tuy nhiên, những điều mà bố mẹ tôi mong đợi đều không xảy ra. Nửa năm nay, cả hai ông bà đều lên Thượng Hải sống cùng tôi sau khi đã nghỉ hưu”, cô Liu chia sẻ.

Liu mua cho mình căn hộ 2 phòng ngủ tại Thượng Hải với giá 2,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,9 tỉ đồng) vào năm 2015 sau khi quyết định lập nghiệp tại đây, thị trường bất động sản tại Thượng Hải cũng đang ”bùng nổ” tại thời điểm này.

Vì cả Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải đều rất lạnh trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4, cha mẹ cô thường về một căn nhà nghỉ dưỡng nhỏ của gia đình tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam.

“Không dễ để tìm được người thuê hoặc người mua ở Cáp Nhĩ Tân. Vì vậy, chúng tôi bỏ trống hai căn hộ ở đó. Về mặt lý thuyết, một mình gia đình chúng tôi có tới 2, 3 căn nhà mà không ai ở suốt cả năm”, cô Liu nói.

Câu chuyện của gia đình Liu không phải là duy nhất.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Beike (BRI) - một tổ chức tư vấn bất động sản của Trung Quốc công bố vào đầu tháng 8, có đến hàng chục triệu căn hộ đang bị bỏ trống tại quốc gia này. Cụ thể, tỷ lệ nhà trống trung bình trên khắp Trung Quốc là 12,1% trong khi tỷ lệ ở Mỹ và Úc lần lượt là 11,1% và 9,8%. Tỷ lệ nhà trống tại Trung Quốc ”ngấp nghé” với Nhật Bản (13,6%) và cao hơn rất nhiều so với Anh (0,9%).

Điều này đồng nghĩa với việc hiện có khoảng 50 triệu nhà trống trên tổng số khoảng 400 căn hộ tại Trung Quốc đại lục, trên cơ sở tính toán của nhà kinh tế học Ren Zeping.

Tổ chức này cảnh báo tình trạng dư thừa nhà trống sẽ khiến giá nhà giảm hơn nữa trong bối cảnh thị trường nhà của Trung Quốc vốn dĩ gặp nhiều khó khăn.

Dư thừa nhà trống có nghĩa nguồn cung tiềm năng lớn, nhưng khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, một số lượng nhà trống lớn được đưa vào thị trường có thể gây ra tình trạng giá nhà giảm hoặc không có người mua. Nhóm bất lợi nhất chính là các chủ sở hữu bất động sản.

Capital Economics - một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London (Anh), đưa ra con số thực tế cao hơn nhiều. Theo ước tính năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 30 triệu căn hộ/ngôi nhà chưa bán được, trong khi khoảng 100 triệu bất động sản khác có khả năng đã được mua nhưng chưa thể sử dụng.

Trong nhiều năm, những người như gia đình Liu tin rằng việc mua thêm một căn nhà bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu cũng chẳng có nguy hại gì, ngay cả khi họ không cần gấp. Nhưng hiện cơn sốt bất động sản đã qua, những ngôi nhà không sử dụng bắt đầu trở thành gánh nặng.

Khoảng 21 công ty đầu tư và phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc đã vỡ nợ hồi năm ngoái, đáng chú ý nhất là CHina Evergrande Group. Hàng nghìn người mua nhà đã tham gia vào một cuộc tẩy chay thế chấp vào tháng trước, khiến căng thẳng leo thang.

Niềm tin vào lĩnh vực này cũng dần trở nên lung lay vì chính quyền trung ương chưa đưa ra các biện pháp cứu trợ rõ ràng và cụ thể.

S&P Global Ratings dự đoán doanh số bán bất động sản ở Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái, xuống còn 12.000 - 13.000 tỷ nhân dân tệ, trong khi giá nhà trung bình có thể giảm 7%.