Đây là những số liệu được công bố tại hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng, cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng ngày 8/5.

Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội cho biết, 4 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 387 vụ cháy (3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; 66 vụ cháy trung bình; 318 vụ cháy nhỏ) khiến 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 3,3 tỷ đồng. Nhiều vụ việc đã được chữa cháy kịp thời theo đúng phương châm "4 tại chỗ". Các lực lượng chức năng đã kéo giảm 939 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy hoạt động từ sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, chiếm tỷ lệ 27,2%. Đến thời điểm hiện tại, TP còn 2.164 công trình còn tồn tại vi phạm.

Hà Nội còn 6.644 công trình xây sai phép, không phép

Về kết quả triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…, Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, hiện có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ còn gọi là chung cư mini (trong đó có 94 nhà cao trên 28m); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra 72.282 cơ sở , xử phạt vi phạm hành chính: Lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy 1.213 trường hợp, với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng; lĩnh vực xây dựng 7 trường hợp với tổng số tiền 25 triệu đồng; lĩnh vực điện 12 trường hợp với tổng số tiền 34,5 triệu đồng; tạm đình chỉ 351 cơ sở, đình chỉ hoạt động 118 cơ sở.

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều chủ cơ sở, chủ hộ gia đình đã thực hiện bổ sung các giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công trình như đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) đã có 26 công trình đóng kín buồng thang bộ, 211 công trình đã bổ sung giải pháp ngăn cháy khu vực để xe và khu vực thang bộ; 77 công trình đã bổ sung giải pháp ngăn cháy lan (chèn, bịt trục kỹ thuật thông tầng, trục kỹ thuật điện, giếng trời)…

Hà Nội còn 6.644 công trình xây sai phép, không phép

Đặc biệt, TP có 6.644 cơ sở xây dựng sai phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, khu vực đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng... Lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.644 cơ sở, phát hiện được 12.779 tồn tại vi phạm, xử phạt 265 hành vi, số tiền phạt gần 1,7 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ 610 cơ sở; UBND các cấp đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với 705 cơ sở vi phạm xây dựng không phép, trái phép.

Đại tá Phạm Trung Hiếu cũng nêu rõ tồn tại: Đối với nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ còn 16.733 công trình không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; 9.704 công trình không đảm bảo về nguồn nước phục vụ chữa cháy; 5.420 công trình không đảm bảo về khoảng cách; 19.420 công trình không đảm bảo về giải pháp ngăn cháy lan; 19.882 công trình không đảm bảo về giải pháp thoát nạn; 8.188 công trình có tồn tại, vi phạm về điện; 2.081 công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; 1.475 công trình không đảm bảo về nguồn nước phục vụ chữa cháy; 12.980 công trình không đảm bảo về giải pháp thoát nạn; 8.717 công trình có tồn tại, vi phạm về điện.. “Ngành điện chưa thực sự vào cuộc, chưa thực hiện nghiêm, chưa hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao gồm: rà soát, kiểm tra, ngừng, giảm cung cấp điện đối với trường hợp ký hợp đồng mua bán điện không đủ điều kiện, sử dụng điện không an toàn, sai mục đích theo quy định. Đến nay chưa có số liệu báo cáo; tổ chức kiểm tra, kiến nghị, hướng dẫn sử dụng điện an toàn đối với 100% hợp đồng mua bán điện. Kết quả kiểm tra, kiến nghị rất thấp, trong khi cần phải kiểm tra, hướng dẫn, kiến nghị cho khoảng 1,6 triệu hộ gia đình”, Đại tá Phạm Trung Hiếu nêu.

Công an TP cũng cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng thuộc tiêu chí phải xây dựng tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn và các tổ liên gia, điểm chữa cháy đã xây dựng nhưng chưa đảm bảo tiêu chí để đăng ký xây dựng và bổ sung, khắc phục các tiêu chí theo yêu cầu theo từng tháng, hoàn thành trước ngày 30/6/2024.

Với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động, lực lượng chức năng phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các chủ cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC và CNCH theo thời gian, lộ trình đã cam kết. Thời hạn hoàn thành vào ngày 30/6/2024.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình trên địa bàn ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công xây dựng, kiên quyết không để phát sinh mới công trình vi phạm chưa nghiệm thu về PCCC trên địa bàn.

Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp, đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện, rừng… Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị chuyển cơ quan điều tra giải quyết theo quy định.

Đáng chú ý, Công an TP sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công vụ việc thực hiện công tác PCCC và CNCH tại UBND các quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn...

Đánh giá công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, tình hình cháy nổ hết sức phức tạp. Nhưng nhiều nơi thậm chí còn chưa xây dựng kế hoạch.

Công tác PCCC ở cơ sở hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra cháy với hậu quả đáng tiếc. Do đó, các đơn vị phải vào cuộc tích cực hơn.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho biết, TP sẽ tăng cường kiểm tra công vụ ở một vài đơn vị cấp quận, huyện còn để xảy ra các công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều... để siết chặt kỷ luật, kỷ cương.