Cụ thể, theo dự thảo Thông tư mới, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km vẫn giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500km như hiện nay.

Nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá trần tăng 50.000 đồng/vé một chiều từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng. Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá trần tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng/vé một chiều.

Ở khoảng cách đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng/vé một chiều, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành. Cuối cùng, khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên được đề xuất mức giá 4 triệu đồng/vé một chiều. Con số này cao hơn 250.000 đồng so với quy định hiện hành.

Mức giá tối đa nói trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay trừ các khoản thu: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ cho cảng hàng không gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường. Các hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bộ GTVT cho biết, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nhằm bảo đảm các nguyên tắc định giá quy định tại pháp luật về giá, đồng thời thận trọng, công khai, minh bạch, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, mục tiêu điều chỉnh giá trần vé máy bay là giúp các hãng hàng không cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng thu nhập khác nhau chứ không phải là tăng giá. Chẳng hạn, hành khách chọn bay giờ đẹp, loại máy bay hiện đại với nhiều dịch vụ hơn thì phải chấp nhận giá vé cao hơn. Nếu chọn giờ bay thấp, loại máy bay ít hiện đại hơn thì giá sẽ mềm hơn.

Chính thức đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa. Ảnh minh họa
Chính thức đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa. Ảnh minh họa

Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành được quy định tại Thông tư số 17/2019/TT – BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Vào tháng 9/2015 – thời điểm Bộ GTVT xây dựng Thông tư số 17, mức giá nhiên liệu bay trung bình là 80 USD/thùng Jet Al; trong khi đó, cuối năm 2021, giá nhiên liệu này tăng trên 100 USD/thùng, duy trì ổn định ở mức bình quân 130 USD/thùng trong năm 2022, thậm chí đã đạt ngưỡng 170-175 USD/thùng vào tháng 5/2022.

Mặt khác, hầu hết vật tư, nhiên liệu, tàu bay của các hãng đều phải mua hoặc thuê của nước ngoài, dịch vụ do các hãng nước ngoài cung cấp, ... đều phải thanh toán bằng USD.

Trong khi đó, tỷ giá giữa VND và USD tăng liên tục trong những năm qua đã làm chi phí cho những khoản mục này tăng lên rất nhiều. Theo số liệu thống kê, tỷ giá bình quân năm 2015 là 21.929 VNĐ/ USD và năm 2022 bình quân là 23.425 VNĐ/ USD, tăng 6,8%.

Theo ông Bùi Doãn Nề, khi các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi thì chỉ bị thiệt hại nhưng vẫn có thể bù đắp được những chi phí phát sinh này, nhưng khi gặp khó khăn thì yếu tố này làm tài chính của các hãng kiệt quệ, có nguy cơ lớn đe dọa không chỉ sự phát triển, mà cả sự tồn tại trên thị trường.

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, trong khi giá vé bình quân trên thị trường thế giới đã tăng trên 50%, giá vé nội địa vẫn dậm chân tại chỗ. Các hãng bay không được áp dụng cơ chế phụ thu nhiên liệu, kể cả khi giá nhiên liệu bay đã tăng rất mạnh trong những năm qua. Không chỉ nhiên liệu, mà các chi phí đầu vào khác như chi phí thuê tàu bay, tỷ giá, nhân công đều đã tăng, khiến các hãng hàng không Việt bay nhiều nhưng vẫn không cân đối được thu chi.

“Hàng không Việt vẫn chìm đắm trong thanh khoản yếu. Lo ngại hàng không không thể hồi phục, nên ngân hàng đã hạn chế trong việc cho vay vốn, dẫn đến hàng không loay hoay với một đống chi phí phát sinh. Hãng bay nào cũng lỗ lớn”, bà Yến Phương đánh giá.