Bản tin Covid-19 sáng 9/11: Hơn 841.000 F0 được chữa khỏi; Sửa đổi điều kiện, thủ tục nhận tiền hỗ trợ COVID-19

Người chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 từ vùng có dịch về phải cách ly và xét nghiệm

Bộ Y tế vừa có công văn về việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo Bộ Y tế, trên cơ sở theo dõi và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ- BYT, Bộ Y tế đề nghị chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch Covid-19theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp.

Tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10 và Công điện số 1700/CĐ-BYT ngày 25-10 của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố);

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định. Trong đó, lưu ý căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21-8 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch cho người dân.

Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K;

Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định;

Những người tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): Thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương;

Những người chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương;

Đối với những người đã tiêm vắc-xin Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Tại công văn mới nhất này, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ.

Việc xét nghiệm thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: Gộp 3-5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh; Gộp 10-20 đối với xét nghiệm RT-PCR.

Bộ Y tế lưu ý trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: Tần suất, tỉ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sửa đổi điều kiện, thủ tục nhận tiền hỗ trợ COVID-19

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Theo đó, Quyết định 33/2021 sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

Sửa điều kiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hưu trí, tử tuất.

Cụ thể, điều kiện hỗ trợ là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 01/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 01/2021.

Trước đây quy định người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 04/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 phải giảm từ 15% số lao động tham gia BHXH trở lên

Với hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ để nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 01 lần theo chính sách này.

Người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương làm hồ sơ nhận hỗ trợ nếu do dịch bệnh mà không thể thỏa thuận bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác như: Qua điện thoại, tin nhắn, email...

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 976.672 ca mắc COVID-19, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.915 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (439.940), Bình Dương (239.728), Đồng Nai (73.142), Long An (35.897), Tiền Giang (18.496).

Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 976.672 ca COVID-19, hơn 841.000 ca trong số này được chữa khỏi

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

Tổng số ca được điều trị khỏi:841.475

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.390 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2.379; Thở oxy dòng cao HFNC: 573; Thở máy không xâm lấn: 119; Thở máy xâm lấn: 306; ECMO: 13

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 67 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số lượng xét nghiệmtừ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.090.625 mẫu cho 62.456.898 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 90.684.561 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 61.351.433 liều, tiêm mũi 2 là 29.333.128 liều.