Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.604.712 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.270 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.599.150 ca, trong đó có 1.181.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. HCM (497.949), Bình Dương (289.731), Đồng Nai (95.993), Tây Ninh (67.772), Long An (39.891).

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.184.428 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.493 ca, trong đó:Thở ô xy qua mặt nạ: 5.204 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.248 ca; Thở máy không xâm lấn: 141 ca; Thở máy xâm lấn: 882 ca; ECMO: 18 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 239 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.358.851 mẫu cho 73.432.477 lượt người.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 142.342.501 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.524.842 liều, tiêm mũi 2 là 64.109.397 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.708.262 liều.

Liều thứ 3 vaccine COVID-19 AstraZeneca tăng cường chống lại biến thể Omicron

Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy, sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca làm mũi tiêm thứ 3 tăng cường để chống lại biến thể Omicron.

Ngày 23/12, AstraZeneca dẫn nghiên cứu cho biết vaccine của hãng giúp tăng mạnh mức kháng thể chống lại biến thể Omicron sau khi được tiêm liều thứ 3. Dữ liệu từ nghiên cứu tiền lâm sàng mới đây, vaccine Covid-19 của AstraZeneca (ChAdOx1-S tái tổ hợp), còn có tên là Vaxzevria, giúp tăng đáng kể nồng độ kháng thể chống lại biến thể SARS-CoV-2 Omicron (B.1.1.529) sau khi tiêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu thực hiện phân tích mẫu huyết thanh từ những người đã nhiễm Covid-19; những người đã tiêm 2 mũi vaccine theo liệu trình và tiêm mũi tăng cường thứ ba; và những người đã từng nhiễm các biến thể đáng lo ngại khác của virus SARS-CoV-2 trước đây. Nghiên cứu bao gồm mẫu huyết thanh của 41 người đã từng tiêm mũi thứ ba là Vaxzevria.

Nghiên cứu được thực hiện độc lập bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và được đăng tải trực tuyến dưới dạng bản thảo (pre-print) trên kho dữ liệu mở y sinh bioRxiv.

Kết quả cho thấy hiệu giá trung hòa biến thể Omicron sau khi tiêm mũi Vaxzevria thứ ba tăng lên so với sau mũi thứ hai. Nồng độ kháng thể sau khi tiêm mũi ba vacine này cao hơn so với ở những người từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh (mắc các biến thể Alpha, Beta, Delta và chủng gốc).

Huyết thanh của những người đã tiêm mũi ba sau một tháng cho thấy đã trung hòa được biến thể Omicron với mức độ tương tự như khả năng trung hòa biến thể Delta sau một tháng tiêm liều thứ hai. Trong các nghiên cứu đời thực, hai liều Vaxzevria có hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta.

Vaccine Covid-19 AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp ở hơn 90 quốc gia và nằm trong Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, giúp đẩy nhanh tiếp cận cho 142 quốc gia thông qua Cơ chế COVAX.

Tại Việt Nam, vaccine của AstraZeneca là vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép và sử dụng trong chương trình tiêm chủng phòng COVID-19. Đến nay, hơn 50 triệu liều vaccine của AstraZeneca đã được mang về Việt Nam để kịp thời hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch…

Bản tin Covid-19 sáng 24/12: TP HCM còn 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vaccine COVID-19

Hà Tĩnh thêm nhiều ca mắc COVID-19, test nhanh hơn 2.000 người

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 9 ca mắc trong cộng đồng.

Các ca mắc mới được phát hiện trên các địa bàn gồm: thị xã Kỳ Anh (3 ca), huyện Cẩm Xuyên (3 ca), thành phố Hà Tĩnh (1 ca), huyện Lộc Hà (2 ca), huyện Đức Thọ (1 ca), huyện Vũ Quang (2 ca), huyện Hương Sơn (1 ca), huyện Hương Khê (2 ca), huyện Nghi Xuân (5 ca) và 1 trường hợp mắc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sau khi ghi nhận các ca mắc, ngành y tế đã xét nghiệm 821 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, trong đó có 21 mẫu cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2; test nhanh 2.104 người để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.

Ngày 23/12, Hà Tĩnh rà soát được 285 công dân trở về từ các vùng dịch, trong đó có 230 người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội. Tất cả đều được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng hướng dẫn khai báo y tế và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Toàn tỉnh đang cách ly tập trung 733 người, cách ly tại nhà 13.972 người và cách ly tại các cơ sở y tế 32 người theo đúng quy định.

TP HCM: Còn 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19

Sở Y tế TP HCM cho biết, sau 15 ngày "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", Thành phố đã ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 24.420 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Khi phát hiện những người thuộc nhóm nguy cơ có kết quả dương tính, ngành y tế đã kịp thời điều trị ngay với thuốc kháng virus Molnupiravir và cách ly chăm sóc tại nhà 901 người; cách ly tập trung 255 người.

Sở Y tế TP HCM cho biết thêm, các quận, huyện đang tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch và cho người F0 uống ngay liều kháng virus khi phát hiện.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện phân công trách nhiệm người chuyên nhập dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn đảm bảo chính xác và kịp tiến độ theo quy định.

Theo Sở Y tế TP HCM, qua phân tích các trường hợp tử vong cho thấy, tỷ lệ tử vong cao tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi; có bệnh nền; chưa được tiêm chủng; chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.

Vì vậy, Thành phố cần phải có hành động khẩn cấp để bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ này; trong đó, 2 nhóm đối tượng cần tập trung là những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền ở mọi độ tuổi.

Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơtại TP HCM đã bắt đầu triển khai từ ngày 7/12. Đối với những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, các Trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vaccine cho những người thuộc nhóm nguy cơ; trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà...