7 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Các địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: Bắc Giang, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng và Đồng Nai.

Cụ thể: TP HCM tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước với 19,95 tỷ USD, nhưng giảm tới hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ 2022.

Bắc Ninh vẫn duy trì vị trí thứ hai nhưng kim ngạch chỉ đạt 17,06 tỷ USD, giảm gần 4,3 tỷ USD; Bình Dương ở vị trí thứ ba với kim ngạch đạt 14,75 tỷ USD, giảm 3,55 tỷ USD; Thái Nguyên đạt 12,91, giảm 4,31 tỷ USD; Đồng Nai đạt 10,4 tỷ USD, giảm 2,53 tỷ USD.

Riêng Hải Phòng có kim ngạch 11,5 tỷ USD, giữ được phong độ so với kết quả 11,47 tỷ USD của cùng kỳ 2022.

Góp mặt trong danh sách này, tỉnh Bắc Giang là địa phương này đạt kim ngạch xuất khẩu 10,7 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là địa phương hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương.

Hết tháng 6, xuất khẩu của cả nước đạt hơn 164 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ 2022. Theo đó, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước) chậm hơn so với khu vực có vốn FDI (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước), theo Bộ Công thương.

Cả nước có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (giảm 02 mặt hàng so với cùng kỳ), chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ, Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%, xuất khẩu sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%, sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%, sang ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%, Hàn Quốc 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%,

Xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh ở cả 2 chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên nhân chủ yếu đến từ giảm tiêu dùng hàng hóa trên toàn cầu do lạm phát và tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng (khiến những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản đều sụt giảm rất mạnh).

Ngoài ra, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm do cạnh tranh lớn ở các nước xuất khẩu. Các ngành hàng chủ lực như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số nông sản còn quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân, tiểu ngạch nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết: Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 là vô cùng thách thức, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai bao gồm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử…