VN-Index tăng nhẹ kéo thanh khoản vượt mức 20.000 tỷ đồng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, VN-Index tăng 0,77 điểm (0,06%) lên 1.272,04 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 185 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,53 điểm (0,23%) lên 234,3 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 87 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index đi ngang tức vẫn giữ mốc 93,63 điểm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 xuất hiện tình trạng phân hóa với 16 mã tăng, 3 mã giữ tham chiếu và 11 mã điều chỉnh.

Nhóm cổ phiếu dầu khí gây sự chú ý, trong đó, PVB tăng đến 5,7%, PVD tăng hơn 5%, PVS tăng gần 3%. Một thông tin hỗ trợ nhóm ngành này đó là theo Petrotimes, ông Lê Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gặp gỡ và làm việc với ông Harada Hidenori, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsui Oil and Gas (MOECO), và thông báo rằng, dự án Lô B - Ô Môn chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18/9/2024.

Động lực tăng trưởng hôm nay chủ yếu là nhờ nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng như ACB (+3,4%), TCB (+1,5%), MBB (+1,4%), VPB (+1,1%), LPB (+1,6%), STB (+1,2%). Ngoài ra, HPG (+1,6%), SAB (+1,6%), PLX (+1,4%), PVD (+5,1%) cũng thể hiện sự ủng hộ lên chỉ số.

Trong khi đó, các cổ phiếu dẫn đầu ngành ngân hàng VCB (-1%) hay BID (-0,4%) lại có diễn biến trái ngược. Nhóm cổ phiếu ghì chân thị trường còn có VIC (-1,4%), VHM (-0,9%), VNM (-0,8%), NAB (-3,7%), GAS (-0,4%), BCM (-0,8%), GVR (-0,3%) và KDC (-2,6%).

Các cổ phiếu nguyên vật liệu, đặc biệt là hóa chất và phân bón như CSV (+0,9%), DCM (+0,5%), DGC (+0,6%), LAS (+0,9%) lại có biên độ tăng tốt.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ ngập tràn nhóm này, dẫu vậy, mức giảm không quá mạnh mẽ. Các cổ phiếu giảm trên 1% có thể kể đến như: VIC, VPI, NLG, SIP, DXG, DXS.

Đánh giá về thị trường chứng khoán, Giám đốc Chiến lược Thị trường - CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) Trần Hoàng Sơn cho rằng, diễn biến VN-Index trong 3 tuần gần đây yếu, nhất là trong tuần qua, chỉ số đi ngược so với diễn biến chung thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, thanh khoản cũng sụt giảm, hầu hết nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ đều yếu. Vì vậy, kỳ vọng kiếm lợi nhuận tốt trong ngắn hạn T+3, T+5 rất khó.

Xu hướng ngắn hạn, VN-Index đã xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ. Điều này đang chỉ báo nhịp điều chỉnh sắp tới, kết hợp với một số nhiễu động có thể xảy ra trước và sau thời điểm Fed hạ lãi suất. Do vậy, việc “full cash” là chiến thuật đúng để chờ vùng mua tốt hơn, nhịp điều chỉnh sâu sắp tới.

Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia cho biết, chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đồng loạt tăng, tận hưởng kết quả từ đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay của Hoa Kỳ, trong khi đồng yên tăng cao khi BoJ giữ nguyên lãi suất và lạc quan về nền kinh tế. Trong nước, sức ép lớn từ bên bán khiến VN-Index sụt mạnh trong phiên chiều và chỉ còn tăng nhẹ khi đóng cửa.

Về kỹ thuật, VN-Index tăng lên vùng 1.280 điểm trong phiên và bị bán ngược trở lại, đóng cửa với mức tăng chỉ gần 1 điểm cho thấy vùng 1.280 điểm tiếp tục là kháng cự mạnh, khiến thị trường cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể vượt qua. Điểm số được dự báo sẽ test lại vùng 1.260-1.265 điểm trong phiên tới.