Theo dữ liệu cập nhật mới nhất được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú về tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng do bão số 3 (Yagi), diễn ra hôm nay 11/9.

Toàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng có gần 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3, với tổng dư nợ ước tính gần 26.000 tỷ đồng.

Quảng Ninh, Hải Phòng có gần 12.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng nặng từ bão số 3

Cụ thể, tổng số 11.058 khách hàng tại Quảng Ninh với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn và 890 khách hàng tại Hải Phòng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Đáng chú ý, có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh bị ảnh hưởng rất nặng nề do bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản.

Theo báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại sau bão, dù đã có sự chuẩn bị các phương án và chủ động phòng, chống bão theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương, nhưng do cường độ của bão quá lớn, nên các đơn vị ngân hàng trên địa bàn Quảng Ninh và Hải Phòng đều có thiệt hại về cơ sở vật chất như hư hỏng trụ máy ATM, máy móc thiết bị, biển hiệu, mái tôn, cây xanh... Tuy nhiên, không có thiệt hại về người và hệ thống kho quỹ đảm bảo an toàn.

Hầu hết các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch và các quỹ tín dụng nhân dân đã hoạt động bình thường từ ngày 9/9/2024, ngay sau khi bão đi qua. Song, tại Quảng Ninh có 2 phòng giao dịch của ngân hàng thương mại phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục thiệt hại do bão và một số điểm giao dịch tại Hải Phòng chưa hoạt động ngay được do chưa khắc phục được cơ sở vật chất tại trụ sở hoặc sự cố về đường truyền mạng và mất điện, dự kiến hoạt động trở lại bình thường trước ngày 13/9/2024.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3. Xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại.

Đồng thời, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành. Thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.