Theo báo cáo ngày 11/9 từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,2% trong tháng 8, bằng mức dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái CPI tăng 2,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng ghi nhận trong tháng 7 và thấp hơn mức dự báo là tăng 2,6%.

Tuy nhiên, CPI lõi - thước đo không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng - tăng 0,3% so với tháng trước, nhỉnh hơn mức dự báo tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 3,2%, phù hợp với dự báo.

CPI Mỹ tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất hơn 3 năm keo theo lo ngại Fed giảm lãi suất mức thấp

Các con số thống kê trên cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xuống thang, nhưng chi phí nhà ở vẫn là một vấn đề nan giải. Nhóm nhà ở trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI - nhóm chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 trong chỉ số - tăng 0,5% trong tháng, đóng góp phần lớn vào mức tăng của chỉ số toàn phần. So với cùng kỳ năm ngoái, nhóm nhà ở tăng 5,2%.

Trong khi đó, nhóm lương thực - thực phẩm chỉ tăng 0,1% và nhóm năng lượng giảm 0,8% trong tháng 8. Báo cáo cũng cho thấy nhóm ô tô cũ giảm 1%, nhóm dịch vụ y tế giảm 0,1% và nhóm hàng thời trang tăng 0,3%.

Mặc dù lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, nhưng đã chậm lại đáng kể, cho phép các nhà hoạch định chính sách tập trung nhiều hơn vào thị trường lao động nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu của chính phủ Mỹ tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp dưới mức kỳ vọng vào tháng 8, song tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% từ mức cao trong gần ba năm là 4,3% của tháng 7.

Theo Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính hiện dự báo khả năng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 của Fed là khoảng 15%, trong khi tỷ lệ cắt giảm lãi suất 0,25% là khoảng 85%.

Câu hỏi hiện tại chỉ là Fed sẽ điều chỉnh chính sách đến mức nào khi nói đến việc cắt giảm lãi suất.

"Đây không phải là báo cáo CPI mà thị trường muốn thấy…Với lạm phát cơ bản cao hơn dự kiến, con đường của Fed để cắt giảm 50 điểm cơ bản đã trở nên phức tạp hơn", Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết.

"Con số này chắc chắn không phải là rào cản đối với hành động chính sách vào tuần tới, nhưng những người theo chủ nghĩa diều hâu có thể sẽ nắm bắt báo cáo CPI mới nhất như bằng chứng cho thấy chặng đường cuối cùng của lạm phát cần được xử lý một cách cẩn thận và thận trọng - một lý do to lớn để mặc định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản", bà cho biết thêm.

Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Tư (11/9), duy trì vững mốc chủ chốt 2.500 USD/oz, dù báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ gần như dập tắt hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất mạnh tay trong cuộc họp vào tuần tới. Đồng USD tăng giá sau báo cáo này, gây áp lực mất giá lên thị trường kim loại quý, trong khi nhà đầu tư chờ một thống kê lạm phát khác dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đảo chiều chốt phiên 11/9 tăng điểm sau khi diễn ra tình trạng bán tháo, khi số liệu lạm phát làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần tới.

Chỉ số Dow Jones tăng 124,75 điểm, hay 0,31%, lên 40.861,71 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 58,6 điểm, hay 1,07%, lên 5.554,12 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 369,65 điểm, hay 2,17%, lên 17.395,53 điểm.