Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế. KTNN đánh giá, trong năm 2023, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc cơ bản đã thực hiện theo quy định của Nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách còn nhiều hạn chế, bất cập.

Bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư

Về chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán chỉ rõ:

- Công tác lập, phân bổ và giao vốn: Công tác đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 02 đợt; việc giao vốn còn chậm.

- Công tác giải ngân vốn: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân 23,14/1.465 tỷ đồng, đạt 1,6% và đến tháng 4/2024 mới giải ngân được 34,186/1.465 tỷ đồng, đạt 2,3%.

- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư: (i) Một số dự án còn phê duyệt quy mô chưa đồng nhất với kết quả thẩm định của cơ quan chức năng về tổng diện tích sàn, diện tích xây dựng; tổ chức tuyển chọn, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc trước khi được cấp giấy phép quy hoạch; thực hiện lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án tỷ lệ 1/500 đối với 02 dự án khi dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện; (ii) Xác định danh mục trang thiết bị y tế được đầu tư không có thuyết minh sự cần thiết phải đầu tư, không phân tích nhu cầu đầu tư căn cứ trên sơ đồ bố trí, dây chuyền công năng, định mức trang thiết bị, năng lực hiện có dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong giai đoạn duyệt danh mục trang thiết bị; xác định một số danh mục thiết bị y tế chưa phù hợp mục tiêu dự án; lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa phù hợp; xác định giá thiết bị y tế chưa có thuyết minh cơ sở xây dựng giá; (iii) Lập, phê duyệt dự án ban đầu không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh lại cho phù hợp quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại; (iv) Phê duyệt quy mô dự án không phù hợp Luật Thủ đô số 25/2012/QH13; phương án kiến trúc xây dựng công trình chưa phù hợp với Giấy phép quy hoạch, không phù hợp với ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng; phê duyệt dự án trước khi được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy; phê duyệt dự án có đầu tư mua sắm hạng mục ghế điều trị ngoại trú khi chưa có tiêu chuẩn thiết kế liên quan được ban hành; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở vận dụng tiêu chuẩn Bệnh viện đa khoa là không phù hợp với tính chất của dự án (Bệnh viện chuyên khoa).

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán: (i) Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, danh mục trang thiết bị ban đầu chưa phù hợp, dự toán lập chưa chính xác; phê duyệt một số nội dung thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp thiết kế cơ sở, không thuộc phạm vi dự án; thiết kế không đầy đủ chi tiết làm căn cứ tính khối lượng; (ii) Phê duyệt dự toán thiết bị y tế chưa tuân thủ quy trình; lập dự toán thiết bị căn cứ vào báo giá thiết bị có thông số kỹ thuật không đồng nhất; dự toán trình, phê duyệt chi phí dự phòng tăng so với thẩm định của cơ quan chuyên môn và không có cơ sở.

- Công tác thương thảo và ký kết hợp đồng kinh tế: Ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán độc lập không phù hợp làm tăng giá trị hợp đồng; quy định thời gian bảo đảm thực hiện hợp đồng chưa phù hợp; chưa kiểm tra, làm rõ và điều chỉnh thời gian bảo hành thiết bị cho phù hợp với thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.

- Công tác quản lý tiến độ: Năm 2023 có 07 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương chậm tiến độ, trong đó: 03 dự án nhóm A có nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, đến thời điểm kiểm toán vẫn đang thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chưa tái khởi động lại; các dự án nhóm B chậm tiến độ phải thực hiện điều chỉnh gia hạn, một số dự án tuy đã được gia hạn song vẫn chậm; một số gói thầu chậm tiến độ so với quy định của hợp đồng ban đầu.

- Công tác nghiệm thu; thanh, quyết toán; quản lý chất lượng, chi phí: (i) Có dự án thực hiện ủy thác quản lý dự án cho đơn vị tư vấn không phải là Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực theo quy định; (ii) Nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng tại một số dự án còn thiếu hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vật liệu đầu vào, thiếu bản vẽ hoàn công đầy đủ chi tiết thông số kỹ thuật hạng mục công việc; (iii) Ghi chép nhật ký thi công chưa đầy đủ theo quy định; một số vật tư không phù hợp kích thước so với thiết kế; kết quả thí nghiệm còn thiếu kích thước so với biên bản nghiệm thu; thí nghiệm chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu tại biên bản nghiệm thu; (iv) Nghiệm thu, thanh quyết toán còn vượt định mức, sai khối lượng, đơn giá, chi phí thuế, nghiệm thu khi chưa đủ thủ tục; một số gói thầu, hạng mục chi phí đã được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được lập quyết toán A-B; chưa xử lý giá trị thanh lý tài sản theo quy định và chưa xác định giá trị tài sản được tặng; (v) Công tác lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành còn chậm.

Kiểm toán Nhà nước: Phát hiện nhiều khoản thu, chi sai quy định tại Bộ Y tế, kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng

Nhiều khoản thu, chi chưa đúng quy định

Về chi thường xuyên, kết quả kiểm toán chỉ rõ:

- Công tác lập, giao và phân bổ dự toán: (i) Một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ, thuyết minh, lập một số nội dung chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; (ii) Bộ Y tế phân bổ dự toán điều chỉnh nhiều lần; phân bổ kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; phân bổ kinh phí cho một số nhiệm vụ thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững không thuộc nội dung chi theo quy định tại Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính; phê duyệt một số danh mục nhiệm vụ chưa rõ đối tượng đáp ứng mục tiêu của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; giao dự toán viện trợ cho các đơn vị trực thuộc làm chủ dự án ODA chưa chi tiết từng dự án theo quy định tại Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính.

- Thu chi sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh:

+ Thu dịch vụ y tế: Một số đơn vị (i) Chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ KCB đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu; (ii) Một số dịch vụ y tế xây dựng giá có một số danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ KCB được BHXH chi trả nhưng cơ sở KCB vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân; áp giá dịch vụ KCB chưa chính xác; (iii) Thực hiện vượt số ca thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới so với số ca thí điểm được phê duyệt của Bộ Y tế; (iv) Một số khoản thu dịch vụ khác nhưng phản ánh thu KCB; (v) Một số bệnh viện phát sinh thu từ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa được quy định trong Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 như dịch vụ phẫu thuật theo yêu cầu trong hoặc ngoài giờ hành chính; phẫu thuật ghép gan; (vi) Thu của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá ngày, giường trong giá dịch vụ phẫu thuật; (vii) Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: Có 03 cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế cấp trong 01 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chưa đúng quy định tại Điều 45 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Thu dịch vụ đào tạo: Một số đơn vị chưa kịp thời hoàn trả học phí khi thực hiện theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ.

Thu dịch vụ khác: (i) Một số đơn vị chưa phản ánh đầy đủ doanh thu; (ii) Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dịch vụ xét nghiệm khi chưa có giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề theo quy định.

- Về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí:

+ Đối với nguồn NSNN:

Hoạt động y tế dự phòng: Một số Bệnh viện chưa cân đối nguồn tài trợ phòng chống dịch Covid-19 hiện có trước khi lập dự toán đề nghị Bộ Y tế cấp kinh phí NSNN để thanh toán đối với chi phí khám chữa bệnh và hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19 đã phát sinh theo quy định; quyết toán chi phí KCB Covid-19 người bệnh đã thanh toán.

Sự nghiệp đào tạo: Miễn học phí cho các học viên chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định; miễn, giảm học phí vượt so với nhu cầu thực tế; quyết toán kinh phí với NSNN chưa tương ứng với số lượng sinh viên thực tế đào tạo.

Sự nghiệp khoa học và công nghệ: Công tác thẩm định, phê duyệt của Hội đồng còn một số thiếu sót; phê duyệt, ký kết, thực hiện hợp đồng chậm, một số đề tài phải gia hạn thời gian thực hiện; việc ban hành Quyết định gia hạn của Bộ Y tế chậm.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Tiến độ thực hiện các chương trình chậm; nhiều nhiệm vụ thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đã được phê duyệt và phân bổ kinh phí năm 2023 nhưng chưa thực hiện do nội dung các hoạt động không phù hợp với Dự án, tiểu dự án, không đủ nhân lực thực hiện hoặc hoạt động nghiên cứu không phù hợp với Thông tư số 109/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính do vậy không sử dụng kinh phí được giao trong năm, một số hoạt động đã triển khai và hoàn thành còn dư kinh phí.

+ Đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại:

Đối với các dự án kiểm soát chi qua Bộ Tài chính: Thời gian đề nghị hoàn vốn tạm ứng chưa đảm bảo theo quy định; kinh phí đề nghị quyết toán năm chưa được giao dự toán, chưa có lệnh ghi thu, ghi chi của Bộ Tài chính 1.121,337 tỷ đồng; đề nghị quyết toán kinh phí viện trợ bằng hàng căn cứ theo tờ khai xác nhận viện trợ, chưa có lệnh ghi thu - ghi chi của Bộ Tài chính 389,305 tỷ đồng; (ii) Chuyển nguồn kinh phí viện trợ bằng hàng phòng chống dịch Covid-19 của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương 4.080,156 tỷ đồng không thuộc các nội dung được chuyển nguồn kinh phí theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP; (iii) Số dư đầu kỳ năm 2022 chuyển sang năm 2023 giữa Báo cáo quyết toán của Bộ Y tế chưa khớp đúng với Thông báo xét duyệt của Bộ Tài chính 382,036 tỷ đồng…

Đối với chi dịch vụ khám, chữa bệnh: (i) Hạch toán chi phí trong năm một số khoản chi chưa đúng quy định như: Chi phí khám chữa bệnh chưa tương ứng với doanh thu ghi nhận trong năm 65,636 tỷ đồng; các khoản phụ cấp vượt hoặc không đúng quy định 3,524 tỷ đồng; chưa giảm trừ chi phí trong năm giá trị thuốc, bông băng, hóa chất, vật tư tiêu hao còn tồn kho 10,664 tỷ đồng… (ii) Xác định vào chi phí tính thuế khoản chi có tính chất phúc lợi; phân bổ khấu hao TSCĐ và công cụ, dụng cụ, thiết bị văn phòng chưa đúng quy định 26,247 tỷ đồng; (iii) Công tác đấu thầu mua sắm: Chưa thực hiện tổng hợp, rà soát đầy đủ nhu cầu và số lượng hàng tồn kho làm cơ sở xây dựng kế hoạch mua sắm trong năm; chưa thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả đấu thầu, báo giá của nhiều cơ sở y tế khác trong vòng 12 tháng để xây dựng giá kế hoạch; thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu có giá trị trên 1 tỷ đồng chưa đúng quy định…; (iv) Công tác quản lý thuốc, hóa chất, vật tư: Còn tình trạng nhập kho một số danh mục thuốc trúng thầu có thời hạn sử dụng thấp hơn so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký; tỷ lệ nhập thuốc thấp so với số lượng trúng thầu, thành phần kiểm nhập chưa đầy đủ theo quy định; chưa thực hiện đối chiếu số xuất kho với số thực tế sử dụng tại các Khoa điều trị…

- Công tác quản lý và sử dụng tài sản công: (i) Một số Bệnh viện chưa thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản để hạch toán, quản lý; chưa kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế đã đến hạn theo quy định; Chưa thực hiện trích/phân bổ khấu hao tài sản cố định dùng cho hoạt động kinh doanh dịch vụ…(ii) Một số đơn vị cho thuê tài sản chưa lập đề án theo quy định; không thực hiện ký hợp đồng sử dụng một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ theo quy định.

- Việc thực hiện nghĩa vụ thuế: Kê khai, nộp các khoản thuế, khoản thu khác chưa đầy đủ, kịp thời.

- Việc tạo nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương: Một số đơn vị được cấp vượt so với nhu cầu 8,681 tỷ đồng; chưa trích lập hoặc trích chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của đơn vị 41,464 tỷ đồng.

Kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng trong đó: Tăng thu NSNN 62,194 tỷ đồng; Thu hồi, giảm chi ngân sách 57,654 tỷ đồng. Kiến nghị khác 71,078 tỷ đồng gồm: Giảm chi khác 1,336 tỷ đồng; Giảm khác các dự án đầu tư xây dựng 69,712 tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế như sau:

+ Đối với chi đầu tư phát triển: Chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án; kiểm tra, rà soát các hạng mục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với thiết kế cơ sở; nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với ghế điều trị ngoại trú; báo cáo, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn thiết kế Bệnh viện chuyên khoa; phối hợp với các bên liên quan, xác định nguyên nhân và xử lý theo quy định của hợp đồng đối với các gói thầu thi công chậm tiến độ; làm rõ và xử lý theo quy định đối với việc chênh lệch quy mô diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng giữa quyết định phê duyệt dự án và báo cáo thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

+ Đối với chi thường xuyên và thu chi hoạt động sự nghiệp, dịch vụ: Chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập phân bổ, giao dự toán kinh phí; tổ chức kiểm tra việc xây dựng cơ cấu giá dịch vụ, việc xác định thuế suất thuế TNDN của các đơn vị trực thuộc để xử lý theo quy định của pháp luật về thuế; hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi phí phát sinh trong năm; chấm dứt thu thêm của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá dịch vụ KCB hoặc đã được BHXH chi trả; quản lý, sử dụng, hạch toán ghi thu ghi chi tạm ứng, ghi thu ghi chi nguồn vốn viện trợ, hàng viện trợ đảm bảo quy định; chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê không có đề án được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền...

Ngoài ra, KTNN kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với sai sót tồn tại:

+ Lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại (Dự án Viện Pháp y Quốc gia);

+ Lập, phê duyệt dự toán chi phí và thực hiện xây dựng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với dự án không thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ (Dự án Xây dựng nhà Ký túc xá 5 tầng Trường Đại học Y Dược Thái Bình; Dự án Cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương (giai đoạn 2), làm tăng chi phí đầu tư dự án);

+ Lập, giao dự toán kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ;

+ Cấp giấy phép, xác nhận cơ cấu tổ chức, địa điểm hoạt động của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại 03 địa điểm chưa tuân thủ theo quy định; Tổ chức hoạt động xét nghiệm khi chưa có giấy phép hoạt động KCB và chứng chỉ hành nghề KCB theo quy định tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.