Thời điểm hiện tại các tỉnh thành trên cả nước bước vào guồng quay công việc mới sau Tết 2024. Tại các tỉnh thành phía bắc, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh... đã phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến, với hơn 41.000 chỉ tiêu tuyển dụng.

Theo đó, có 154 đơn vị doanh nghiệp tham gia phiên tuyển dụng nhày 14/3. Trong đó, Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, với 17.338 chỉ tiêu. Xếp tiếp sau là Bắc Ninh với 11.113 chỉ tiêu. Một số tỉnh thành có nhu cầu tuyển dụng từ 2.000 chỉ tiêu trở lên, gồm Thái Bình (4.018 chỉ tiêu), Ninh Bình (3.224), Hải Phòng (2.410).

TP Hà Nội có 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia với chỉ tiêu tuyển dụng là 1.125. Việc tổ chức phiên trực tuyến này được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội kết nối đồng bộ trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Trong tổng số 30 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm, có 17 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, chiếm tỷ lệ cao nhất (56,7%). Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên là 426/1.125 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 37,9%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật là 387/1.125 chỉ tiêu, tỷ lệ 34,4%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ lao động phổ thông là 312/1.125 chỉ tiêu, tỷ lệ 27,7%. Các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên có 185/1.125 chỉ tiêu, tỷ lệ 16,4%, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng với 312/1.125 chỉ tiêu, tỷ lệ 27,7%, dành cho các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ tiêu tuyển dụng ở các nhóm ngành nghề không có sự chênh lệch lớn, song cao nhất tập trung ở nhóm công nhân sản xuất điện tử, với 3.945 chỉ tiêu; may mặc 3.816; kinh doanh - marketting 3.721; nhân viên kỹ thuật 3.548; cơ khí - hàn 3.442; thợ vận hành máy 3.443; 3.414 nhân viên bán hàng - thu ngân; 2.902 lái xe; 2.859 việc làm kế toán - kiểm toán; hơn 2.600 việc làm nhân viên chăm sóc khách hàng; 2.617 việc làm khối văn phòng - nhân sự.

Thế nhưng, trước những yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và nhu cầu của người lao động về công việc vẫn còn chênh lệch, dẫn tới "cầu tăng, cung khát".

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, sau Tết các doanh nghiệp thường có nhu cầu tuyển dụng để bổ sung vào lực lượng lao động đã nghỉ việc hoặc tăng quy mô lao động nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng còn gặp một số khó khăn nhất định. Theo kết quả khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP HCM, tỷ lệ đơn vị gặp khó khăn chiếm gần 19%.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là lao động không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp (chiếm gần 69%); tiền lương, tiền thưởng thấp (chiếm 21%); ngoài ra là điều kiện làm việc (môi trường, an toàn lao động, chế độ quản lý...) và các lý do khác.

Theo nhận định của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, "Người lao động luôn quan tâm đến chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, chế độ phúc lợi, đồng thời có nhiều sự lựa chọn để thay đổi môi trường làm việc. Một số lao động có sự dịch chuyển việc làm từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức tạm thời, vì vậy chưa quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp".

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh này, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động, trong đó triển khai mô hình thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe, nhà ga vào thời điểm sau Tết cho người lao động từ các tỉnh đến TP tìm kiếm việc làm.