Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/11, VN-Index tăng 4,04 điểm, lên 1.448,34 điểm. HNX-Index tăng 6,71 điểm, lên 422,42 điểm. UPCoM-Index tăng 0,24 điểm, lên 107,22 điểm.

Thanh khoản giảm khá nhiều so với phiên trước, với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trên 31.660 tỉ đồng, giảm gần 40% so với phiên trước. Riêng giá trị giao dịch trên HOSE đạt mức 27.873 tỉ đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lấy lại sắc xanh khi chỉ số VNMID-Index (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa) tăng 1,15% và chỉ số VNSML-Index (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng 1,18%.

Trái lại, chỉ số VN30-Index (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn) giảm 0,16%.

Diễn biến chỉ số giá thị trường kết phiên 4/11. (Nguồn: VNDirect).
Diễn biến chỉ số giá thị trường kết phiên 4/11. (Nguồn: VNDirect).

Đi sâu vào từng nhóm ngành, ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh ngay sau phiên thăng hoa. Đa phần cổ phiếu giảm dưới 2% nhưng vẫn có SHB và BID tỏa sáng với mức tăng lần lượt 6,46% và 2,21%.

Trái ngược, cổ phiếu chứng khoán giao dịch hết sức khả quan khi SSI tăng 3,12%, VCI tăng 5,12%, HCM tăng 5,28%; VND, VIX, BSI, CTS đồng loạt tăng kịch trần.

Ở nhóm bất động sản, các cổ phiếu lớn đều ghi nhận sắc đỏ: VIC giảm 0,31%, VHM giảm 0,24%, NVL giảm 1,14%, VRE giảm 0,47%, BCM giảm 0,19%. Trái lại, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn phục hồi khá mạnh sau phiên giảm cực sâu trước đó, tiêu biểu là: DIG tăng 3,51%, NLG tăng 3,8%, DPG tăng 5,08%, VPI tăng kịch trần...

Tại nhóm sản xuất, HPG tăng 1,26%, VNM tăng 0,23%, MSN tăng 1,65%, GVR tăng 1,65%... Nhìn chung, sắc xanh lấn át sắc đỏ, trong đó gây ấn tượng nhất là GEX với mức tăng kịch trần.

Phân hóa rõ rệt ở các nhóm năng lượng, hàng không, bán lẻ khi GAS giảm 2,42%, PLX giảm 0,57% còn POW lại tăng 0,4%; VJC giảm 0,15% nhưng HVN lại tăng tới 5,23%; PNJ giảm 0,48% còn MWG lại có thêm 0,85% giá trị.

Khối ngoại quay lại bán ròng trong phiên hôm nay nhưng giá trị bán ròng khá khiêm tốn (hơn 98 tỷ đồng). Trong đó, có tới 458 tỷ đồng bán ròng từ riêng cổ phiếu PAN. Lực cung cổ phiếu này từ các cổ đông tổ chức vẫn rất lớn. Ngoài TAEL Two Partner và Sojitz đang ròng rã bán cổ phiếu, Chứng khoán SSI, công ty cùng chung chủ tịch với PAN, cũng đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu PAN, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu từ 19,91% xuống 12,73%. Nếu không kể giao dịch ở PAN, nhiều khả năng khối ngoại đã có thêm phiên mua ròng thứ hai liên tiếp.

Toàn sàn HoSE có 264 mã tăng giá, 41 mã đứng giá tham chiếu và 186 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức cao, đạt 26.486 tỷ đồng.

Thị trường đã có dấu hiệu hồi phục trong phiên này ngay từ đầu phiên, nhưng tâm lý lo lắng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm vẫn diễn ra, khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục bán ra. Phiên này các mã chứng khoán ngành xây dựng, bất động đã bật tăng trở lại. Trong đó có một mã tăng trần như HBC, IDC, NRC … Một số mã trụ cột vẫn tăng khá, kéo chỉ số: BID (+1,01), SHB (+0,98), HPG (+0,82), MSN (+0,74), GVR (+0,68)… Ngược lại, các mã vốn hóa lớn, kéo chỉ số giảm bao gồm: GAS (-1,39), CTG (-0,49), VPB (-0,45), NVL (-0,45), TCB (-0,36)…

Có thể nói, sau khi bị "bán tháo" nhóm cổ phiếu tăng nóng, nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mua cổ phiếu khác bởi trong các kênh thì đầu tư chứng khoán vẫn đang là hấp dẫn nhất.

Nhận định thị trường các phiên tới, một công ty chứng khoán cho rằng thị trường phiên 4-11 hồi phục sau một phiên giảm điểm với lực mua tốt ở vùng giá thấp, cho thấy tâm lý thị trường đang ổn định sau một phiên chốt lãi chủ động. Dù vậy, thanh khoản thấp cho thấy thị trường chưa hồi phục bền vững. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực, dòng tiền đang tập trung vào một số mã nhất định. Nhà đầu tư cần quan sát thêm khi mua vào lại.

Còn Công ty Chứng khoán MBS cho rằng phiên 4-11, thị trường tăng trở lại khi dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thanh khoản tuy giảm so với phiên lập kỷ lục hôm qua nhưng độ rộng thị trường rất tích cực, tâm lý nhà đầu tư đang rất mạnh mẽ, qua đó xác nhận phiên giảm mạnh hôm qua chỉ là rung lắc và chốt lời thuần túy. Tuy vậy, nhóm VN30 mà quay lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán,… Theo dự báo của MBS, có thể thời gian tới sẽ là nhóm dầu khí, cảng biển, vật liệu xây dựng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SHS nhìn nhận trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên hồi phục này thì hoàn toàn có thể kỳ vọng là thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến các mốc cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán quay trở lại thì thị trường có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm để tìm kiếm lực cầu.

Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 5-11, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.450 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên.

Trong khi đó, báo cáo thị trường chứng khoán tháng 11 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) vừa công bố, cho thấy việc mở cửa nền kinh tế là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong tháng 11. Gói kích cầu 800.000 tỉ đồng sẽ khôi phục nền kinh tế và khơi thông dòng vốn và kích thích tiêu dùng sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài. Ngoài ra, việc gia tăng đầu tư công nhằm thu hút dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong ngắn và trung hạn.