Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt
Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển hướng từ chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng lúa gạo. Ảnh: Nguyễn Long

Chưa phát huy hết tiềm năng

Ngay đầu năm 2022, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) đã trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Thời gian giao hàng từ tháng 3 đến tháng 6-2022. Đây là gạo 100% tấm, dùng làm nguyên liệu sản xuất bia, được Hàn Quốc nhập với giá 369 USD/tấn (giá FOB - giá xuất cảng), cao hơn 31 USD/tấn so với báo giá gạo cùng loại xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Đây là tin vui không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả ngành Lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, với thị trường quốc tế, gạo trên 15% tấm của Việt Nam được coi là gạo thông thường, gọi chung là “gạo trắng Việt Nam”, được xuất sang các thị trường châu Á truyền thống. Nói cách khác, nhiều loại gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa phải là loại gạo có phẩm cấp cao, ghi dấu ấn với thị trường quốc tế và đem lại giá trị thương mại cao hơn, đến với những thị trường khó tính hơn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT), tính đến đầu năm 2022, Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số các quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng 45 triệu tấn lúa/năm. Về xuất khẩu, hiện Việt Nam xuất 6 triệu tấn gạo/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, trong số này chỉ có vài sản phẩm gạo phẩm cấp cao đáng chú ý như: Nàng Thơm, Chợ Đào hay ST25… Đây là hệ quả của việc nhiều năm liền, Việt Nam chú trọng tăng năng suất và sản lượng lúa, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng lúa gạo nên chưa tạo thêm khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ngoài ra còn phải kể đến việc ngành Lúa gạo Việt Nam chưa có sản phẩm chế biến sâu từ gạo. Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ Trần Thế Như Hiệp cho biết, ở Thái Lan, ngoài bán gạo, họ còn bán gần 30 sản phẩm chế biến từ gạo như: Nước uống, xà phòng, son môi… có giá cao gấp hàng chục lần so với gạo thô, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ sản xuất sản phẩm bánh gạo.

Chú trọng nâng cao chất lượng gạo

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, việc nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam nói chung và chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu nói riêng cần được các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ từ quy hoạch vùng trồng, gia tăng giống lúa chất lượng cao, cho đến ứng dụng công nghệ mới trong thu hoạch, chế biến và bảo quản.

Trên thực tế, những giải pháp nêu trên đã và đang triển khai. Theo Cục Trồng trọt, hiện các giống lúa thơm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có tổng sản lượng khoảng 5,5 triệu tấn/năm, tương đương 3,5 triệu tấn gạo. Đây là nguồn gạo chất lượng cao để xuất khẩu sang các thị trường trong Liên minh châu Âu (EU) như: Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… Năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020.

Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời (thành phố Hồ Chí Minh) trong năm 2021 đã xuất khẩu được 4.170 tấn gạo chất lượng cao từ các vùng trồng chuyên canh sang EU, bao gồm cả những lô gạo đầu tiên xuất theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA). Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Ngô Duy Thuận cho biết: “Chúng tôi tin tưởng trong năm 2022, gạo chất lượng cao của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn nữa tại EU, Australia”.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia phân khúc thị trường nâng cao chất lượng chế biến gạo sau thu hoạch. Đơn cử, tháng 1-2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (thành phố Hồ Chí Minh) đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại tỉnh An Giang. Nhà máy có quy mô lớn nhất châu Á với diện tích 161.000m2, công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi và 1.600 tấn lúa khô/ngày; tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Lúa tươi được sấy và lưu trữ với chất lượng cao, giữ được mùi thơm, hương vị, nâng chất lượng và giá trị khi xuất khẩu.

Theo Cục Trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 50% hiện tại sẽ tăng lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tăng từ 10% hiện tại lên 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030…

Là một nông dân tham gia mô hình trồng lúa liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, bà Huỳnh Ngọc Út (xã Long Phúc, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi đang tham gia mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa đặc sản của tỉnh trên diện tích hơn 1.100ha với hơn 1.000 nông dân. Với việc được cấp giống mới, ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, được bao tiêu sản phẩm…, nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất và tin tưởng thu nhập sẽ không ngừng tăng”.