Thông tin từ Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 9 năm nay, xuất khẩu gạo của nước ta ước thu về 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo bình quân đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, sau vài phiên giảm từ đỉnh 643 USD/tấn (thiết lập ngày 31/8), những ngày gần đây, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta neo ở mức 613 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng ổn định ở mức giá 598 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới nông dân thắng lớn

Tại thị trường trong nước, mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm quay đầu giảm nhẹ. Theo đó hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 12.100 - 12.150 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mức 14.100 - 14.150 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.500 - 17.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo nàng hoa 19.000 đồng/kg; gạo sóc thường 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg.

Trong khi đó giá gạo của các đối thủ cạnh tranh lại tiếp đà giảm mạnh. Cụ thể, sau khi tăng vọt lên mức 651 USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan quay đầu lao dốc, ngày 4/10 về mức 586 USD/tấn; gạo 5% tấm giảm còn 538 USD/tấn.

Gạo 5% tấm và 25% tấm của Pakistan cũng trượt dốc, lần lượt về mức 558 USD/tấn và 498 USD/tấn. Trong top các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo Việt Nam đang có giá cao nhất.

Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 29 USD/tấn, hơn hàng của Pakistan 55 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm cũng cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 60 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 100 USD/tấn.

Mặt khác, ngày 4/10 Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thông báo chính phủ của ông bỏ chính sách giá trần đối với gạo xay xát thường lẫn xay xát kỹ sau gần một tháng triển khai. Động thái này được đưa ra giữa lúc giá gạo toàn cầu hạ nhiệt và nguồn cung gạo trong nước tăng lên khi Philippines bước vào vụ thu hoạch.

Theo bà Phan Mai Hương - đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo quốc tế - nguồn cung gạo thế giới đang dồi dào bởi Thái Lan vừa thu hoạch xong vụ lúa phụ. Nguồn cung gạo giá rẻ từ Pakistan cũng lớn do nước này vừa thu hoạch xong với sản lượng tốt. Trong khi đó, Việt Nam không còn nguồn cung lớn nên giá gạo giữ ở mức cao hơn các nước.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới nông dân thắng lớn
Ảnh Châu Anh

Với riêng thị trường Philippines, bà Mai Hương cho rằng gạo Việt Nam có ưu thế là chủng loại phù hợp với nhu cầu nên không lo ngại phải cạnh tranh với các nguồn cung giá rẻ hơn. Trong năm nay, dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao. Bà Hương khuyến cáo nông dân theo dõi thông tin để tránh bị thương lái ép giá.

"Sau khi xuất khẩu hơn 6,6 triệu tấn từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng còn lại chỉ khoảng 400.000-450.000 tấn/tháng, không gây áp lực tiêu thụ cho DN" - bà Hương nhận định.

Thị trường gạo toàn cầu bắt đầu "dậy sóng" từ cuối tháng 7/2023 khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng. Tiếp đó là hàng loạt động thái siết nguồn cung của Ấn Độ như áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ (được làm chín một phần), áp giá sàn xuất khẩu gạo basmati 1.200 USD/tấn. Sau đó, Nga, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Những động thái này đã đẩy giá gạo trắng 5% tấm từ 530 USD/tấn vọt lên 643 USD/tấn vào cuối tháng 8/2023.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo giá gạo thời gian tới sẽ đi ngang, xoay quanh 600 USD/tấn. So với nhiều năm trước, đây vẫn là mức giá tốt cho nông dân.

"Năm nay, nông dân được hưởng lợi về giá gạo. Ngược lại, nhiều DN gặp khó trong giai đoạn giá xuất khẩu tăng mạnh bởi nhà cung ứng không giao hàng. DN phải trả thêm tiền để được giao hàng với những hợp đồng đã ký với giá cũ. Ngoài ra, chi phí vốn lớn, lãi suất cao cũng khiến nhiều DN không có lãi" - ông Nam nhận xét.