Giá cước vận tải container tăng vọt theo căng thẳng ở Biển Đỏ, lo ngại lạm phát toàn cầu mới
Hầu hết các tàu container đang tránh xa khu vực kênh đào Suez do xung đột leo thang, khiến giá cước vận tải hàng hoá trên biển tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ tăng giá với hàng hoá và lạm phát toàn cầu. (Nguồn: Reuters)

Các cuộc xung đột tại Trung Đông leo thang khiến hầu hết các tàu container đều tránh kênh đào Suez gần đó, tuyến đường tắt giao thông trọng điểm giữa châu Á và châu Âu, kết nối Biển Đỏ và Biển Địa Trung Hải. Ước tính, có tới 12% thương mại toàn cầu được thực hiện thông qua tuyến vận tải biển này.

Mỹ và Anh đã khuyến cáo tất cả các tàu thuyền tránh xa khu vực xung đột. Động thái này dấy lên mối lo ngại về giá cước vận tải đối với các tàu chở dầu, chở hàng hoá và các mặt hàng quan trọng khác sẽ tăng cao, gia tăng nguy cơ xảy ra một đợt lạm phát toàn cầu mới.

Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (Shanghai Containerized Freight Index – SCFI) – Chỉ số đo lường tỷ giá “giao ngay” không có hợp đồng đối với các chuyến hàng container ra khỏi cảng của Trung Quốc, đã tăng hơn 16% do với tuần trước lên 2.206 điểm vào thứ Sáu, và tăng 114% kể từ giữa tháng 12.

Kích thước tiêu chuẩn của một container 20 feet cụ thể là: Chiều dài 6.058m, chiều rộng 2.438m, chiều cao 2.591m

Giá cước vận tải trên tuyến Thượng Hải - Châu Âu đã tăng 8,1% lên 3.103 USD trên mỗi container 20 feet vào thứ Sáu so với một tuần trước đó.

Trong khi giá cước đối với các container đến Bờ Tây Hoa Kỳ, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp, đã tăng 43,2% lên 3.974 USD trên mỗi container 40 feet, Công ty môi giới tàu Clarksons cho biết.

Peter Sand, nhà phân tích trưởng của nền tảng vận tải hàng hóa Xeneta, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này càng kéo dài thì càng gây ra nhiều gián đoạn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển trên toàn cầu và chi phí sẽ tiếp tục tăng”.

Những công ty lớn trong ngành vận tải biển xử lý tới 90% thương mại toàn cầu đang phải gấp rút chuẩn bị cho những tháng biến động về chi phí.

Michael Aldwell, Phó chủ tịch điều hành hậu cần đường biển tại Kuehne + Nagel, cho biết: “Ngay cả từ hôm nay trở đi eo biển Bab al-Mandeb trở nên an toàn và đảm bảo cho việc vận chuyển, chúng tôi dự kiến sẽ phải mất tối thiểu hai tháng trước khi các tàu có thể quay vòng bình thường”.

Giá cước vận tải container tăng vọt do căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ, lo ngại lạm phát toàn cầu mới
Trong thời gian tới nhiều chuyến hàng có thể tiếp tục tăng giá hoặc/và đến muộn do phải định tuyến lại. (Nguồn: Reuters)

Các chủ tàu container lớn như Maersk và Hapag-Lloyd đã chuyển các tàu đi qua kênh đào Suez sang tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) của Châu Phi. Điều này gây ra sự chậm trễ, kéo theo lịch trình tàu thuyền phức tạp. Giá cước đã tăng ít nhất gấp đôi so với một tháng trước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng vẫn ở dưới mức cao kỷ lục trong thời đại dịch.

Vào thứ Sáu, bốn tàu chở dầu đã quay đầu giữa hành trình để tránh Biển Đỏ và năm chiếc khác đã chuyển hướng hoặc tạm dừng di chuyển.

John Kartsonas, đối tác quản lý tại Breakwave Advisors, cho biết: “Giá cước tàu chở dầu sẽ tăng và hợp đồng tương lai cũng tăng”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng hàng khô là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Các nhà nhập khẩu lớn như Tesla, Volvo Car thuộc sở hữu của Geely và Ikea đã báo cáo tình trạng thiếu sản phẩm hoặc cảnh báo về hàng đến muộn.

Việc định tuyến lại một con tàu quanh Châu Phi sẽ tốn thêm khoảng 10 ngày và 1 triệu USD chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi một chiều giữa Châu Á và Châu Âu.

Các hãng vận tải đang tăng cường các chuyến tàu vào các tuyến thương mại châu Âu và Địa Trung Hải – vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất – để bù đắp các khoản lỗ.

Nhà phân tích Omar Nokta của Jefferies cho rằng, động thái này đang làm giảm không gian tàu sẵn có cho hàng hóa di chuyển trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương và Bắc – Nam, đồng thời đẩy giá cước cao hơn.

Các nhà khai thác tàu cũng đang triển khai các khoản phụ phí liên quan đến Biển Đỏ và phân bổ không gian theo hợp đồng, ít tốn kém hơn. Đồng nghĩa, lô hàng của một số khách hàng buộc phải chuyển sang thị trường giao ngay đắt tiền hơn.

Với xu hướng này, Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường của Hargreaves Lansdown, cho biết: “Giá của nhiều loại hàng hóa có nguy cơ tăng trở lại”. Theo đó, một đợt lạm phát toàn cầu mới có khả năng sẽ diễn ra.