Giá cà phê ngày 11/3

Sáng ngày 11/3, ghi nhận tại các vùng trồng trọng điểm giảm 200 - 300 đồng/kg với cùng thời điểm hôm qua. Hiện giá cà phê đang dao động trong khoảng 40.200 - 40.800 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.200 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.600 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2022 giảm 24 USD/tấn ở mức 2.093 USD/tấn, giao tháng 7/2022 giảm 24 USD/tấn ở mức 2.072 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 giảm 5,1 cent/lb ở mức 224,2 cent/lb, giao tháng 7/2022 giảm 4,8 cent/lb, ở mức 223,45 cent/lb.

Thị trường hiện tồn tại những lo ngại về sự bùng nổ giá dầu do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine, làm tăng thêm chi phí sản xuất cho nông dân. Giá phân bón cao hơn và nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng bị thắt chặt có nguy cơ hạn chế năng suất ở quốc gia trồng cà phê hàng đầu thế giới Brazil.

Bên cạnh năng suất thấp hơn và những khó khăn trong đường cung cấp, thời tiết không thuận lợi cũng ít nhiều ảnh hưởng đến cây trồng. Nhiệt độ ở các vùng trồng cà phê của Brazil có thể mát hơn bình thường từ tháng 5 đến tháng 7, song điều đó không có nghĩa là đợt sương giá kinh hoàng năm ngoái lặp lại, theo Business Standard.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong chuỗi cung ứng, các công ty đang cố gắng sửa đổi công suất và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Một số hoạt động kinh doanh đã được chuyển hướng từ các cảng đặc biệt tắc nghẽn như Long Beach ở California đến các địa điểm ít được hỗ trợ hơn ở các thành phố khác.

Trang Sucafina đưa tin, tiêu thụ cà phê của Nga ước tính vào khoảng 6 triệu bao/năm, trong khi Ukraine tiêu thụ 1,5 triệu bao. Trong số này, 60 - 70% là cà phê robusta chủ yếu đến từ Việt Nam hoặc cà phê hòa tan từ Đức và Ba Lan. Đối với Ukraine, tiêu thụ cà phê của nước này sẽ giảm theo chiều dài của cuộc chiến quân sự do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Còn với Nga, mức tiêu thụ giảm phần lớn là do các lệnh trừng phạt. Một lệnh cấm đối với xuất khẩu cà phê từ EU sang Nga sẽ gây ra tác động lớn, trong khi các biện pháp trừng phạt hiện tại có thể sẽ làm suy giảm nhu cầu do thu nhập của người tiêu dùng Nga sẽ thấp hơn.

Tuy nhiên, do sức tiêu thụ giảm đối với robusta nên tác động tiêu cực có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường robusta kỳ hạn nhiều hơn so với arabica kỳ hạn.

Giá hồ tiêu ngày 11/3

Giá hồ tiêu ngày 11/3, giữ ổn định ở các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Hiện giá hồ tiêu đang dao động trong khoảng 78.000 - 81.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức mức 78.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 78.500 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.800 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.000 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất ở mức 81.000 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 11/3: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu ổn định

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam VPA, trong tháng 2/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 3.192 tấn, trong đó tiêu đen đạt 3.066 tấn, tiêu trắng đạt 126 tấn. So với tháng 1/2022, lượng nhập khẩu tăng 102,2%, kim ngạch tăng 79,1%.

Olam, Trân Châu, Liên Thành là các doanh nghiệp đứng đầu nhập khẩu hồ tiêu trong tháng 2/2022, trong khi đó nhập khẩu từ Brazil tăng 251% và từ Campuchia tăng 144% và 2 thị trường này tiếp tục là các nước cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam.

Còn trong 2 tháng đầu năm 2022 Việt Nam đã nhập khẩu 4.771 tấn, so với cùng kỳ năm 2021 lượng nhập khẩu giảm 10,2%. Brazil, Campuchia và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam, trong đó nhập khẩu từ Brazil tăng 9,2%, từ Campuchia tăng 743,7%, tuy nhiên nhập khẩu từ Indonesia giảm 76,9%. Olam vẫn là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất tuy nhiên so cùng kỳ giảm 20,2%.

Hiện nay Việt Nam tăng cường nhập khẩu Brazil, Campuchia trong bối cảnh tiêu Indonesia giảm xuất khẩu. Năm 2021, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, ngành hồ tiêu Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu từ Campuchia cao hơn năm 2020 là 111%.

Sản lượng hồ tiêu của các tỉnh biên giới Campuchia, giáp với Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm. Dù tổng số lượng này chỉ bằng 1/10 sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, nhưng cũng có thể giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu tính toán được các đơn hàng trong thời gian tới, trước tình trạng dự báo thiếu nguồn cung hồ tiêu.

Trong khi đó, Brazil là quốc gia xuất khẩu lồ tiêu lớn thứ 2 toàn cầu chỉ sau Việt Nam, Brazil ổn định lượng xuất khẩu bình quân 56.000 tấn hàng năm trong giai đoạn 2012-2021. Tháng 1/2022, xuất khẩu Hồ tiêu Brazil đạt 7.946 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.