Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là nền kinh tế được các tổ chức quốc tế dự báo đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024 (WB dự báo Việt Nam đạt 5,5%, IMF dự báo 5,8% và ADB dự báo là 6%).

GDP quý II/2024 tốc độ tích cực, tăng gần 7%

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II-2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.

Tính chung GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Kinh tế – xã hội quý II/2024 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

GDP quý II/2024 tốc độ tích cực, tăng gần 7%

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể là, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nêu rõ.