Nhà đầu tư Gen Z gia tăng

Làn sóng dịch COVID-19 càn quét khắp thế giới, hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu vì bị cắt giảm giờ làm, lương thưởng hoặc thất nghiệp. Nhiều người trẻ trở nên bế tắc khi không thể tìm được việc, nghỉ làm, phải ở nhà và không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Hoàn cảnh này đã “thổi bùng” lên khát khao làm giàu và đạt được tự do tài chính của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ dù vẫn đang ngồi ghế nhà trường hay chỉ mới ra trường. Thế hệ Gen Z (sinh năm 1996-2012) ngày càng suy nghĩ nhiều hơn đến việc tiết kiệm, tích luỹ, và đặc biệt là đầu tư.

Theo một thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tính đến hết tháng 10/2021 là khoảng 3,6 triệu tài khoản. Giao dịch bình quân của thị trường tăng mạnh, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một con số kỷ lục, minh chứng sự quan tâm của người dân tới thị trường chứng khoán, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư trẻ, từ 26 tuổi trở xuống.

Đầu tư chứng khoán: 'Kênh trú ẩn' tốt cho tài chính giới trẻ?
Ngày càng nhiều người trẻ đầu tư chứng khoán. Ảnh: Mikhail/Pexel

Tấn Linh - kiểm toán viên và chủ sở hữu kênh nội dung về đầu tư có hơn 81.500 người theo dõi, từng chia sẻ rằng, trong số những người theo dõi kênh của anh, trên 65% dưới 26 tuổi. Trong đó có nhiều bạn trẻ chỉ mới 16-17 tuổi đã bắt đầu tham gia thị trường với số vốn lên tới cả trăm triệu đồng.

Ghi nhận trào lưu này, nhiều công ty chứng khoán Việt Nam đã cho ra mắt những gói tài khoản dành riêng và tăng cường các chiến dịch tiếp thị đến nhóm đối tượng này. Đơn cử là Công ty Chứng khoán VPS bắt đầu triển khai gói tài khoản nhà đầu tư trẻ trong năm 2021, chỉ sau một tháng, họ có khoảng 15.000 khách hàng mở mới.

So với khoảng năm 2018, các nhà đầu tư Gen Z hầu như chiếm tỷ lệ chưa đáng kể tại các diễn đàn, hội nhóm về đầu tư chứng khoán hay trên các sàn đầu tư chứng khoán. Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, "cơn sốt" chứng khoán bùng nổ trong giới đầu tư trẻ tuổi kéo dài từ giữa năm 2020 đến nay vẫn chưa hề "hạ nhiệt".

Xu hướng chung của thế giới

Theo một thống kê của ngân hàng OCBC (hoạt động trên 19 quốc gia, trong đó có Việt Nam), giá trị các khoản đầu tư của các khách hàng dưới 23 tuổi tại nền tảng giao dịch số của họ đã tăng 200% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều ngân hàng trên thế giới như DBS (trụ sở ở Singapore), JP Morgan (trụ sở tại Mỹ),… đều ghi nhận số lượng khách hàng sinh từ năm 1996 trở đi đổ tiền vào chứng khoán và các sản phẩm tài chính khác ngày càng nhiều trong thời điểm dịch bệnh bùng phát toàn cầu.

Theo JMP Securities, chỉ riêng tại Mỹ, hơn 10 triệu nhà đầu tư mới đã tham gia thị trường trong nửa đầu năm 2021, trong đó nhiều nhà đầu tư còn ít tuổi nhưng đã thông thạo mạng Internet và các ứng dụng hỗ trợ phân tích thị trường chứng khoán.

Đơn cử, tại Mỹ, ứng dụng đầu tư Robinhood đã thu hút được rất nhiều người trẻ, với độ tuổi trung bình của các người dùng Mỹ là 31 tuổi. Tại Ấn Độ, một ứng dụng đầu tư phổ biến là Upstox cũng cho biết hơn 80% khách hàng của họ trong độ tuổi từ 35 trở xuống. Đặc biệt, ở Ấn Độ, cuộc cách mạng đầu tư được hỗ trợ nhờ sự bùng nổ của tài khoản Demat - tài khoản điện tử được mở rất dễ dàng để kiểm soát hoạt động giao dịch chứng khoán, vốn chủ sở hữu hoặc nợ.

Đầu tư chứng khoán: 'Kênh trú ẩn' tốt cho tài chính giới trẻ?
Nhà đầu tư trẻ thời nay có lợi thế về hiểu biết công nghệ và mạng lưới Internet phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Anna/Pexel.

Nhiều bạn trẻ ở Ấn Độ, với tuổi đời còn chưa vượt quá 20 tuổi, không chỉ nghĩ nhiều hơn đến việc tiết kiệm, giảm chi tiêu mà còn dành thời gian tìm hiểu và tham gia các giao dịch chứng khoán, với hy vọng sẽ xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng và sau đó nghỉ hưu vào khoảng năm 40-45 tuổi.

Trong khi đó, ứng dụng đầu tư Bamboo của Nigeria cũng đưa ra con số 83% là tỷ lệ người dùng trẻ với ứng dụng của họ. Một "cơn sốt" đầu tư chứng khoán cũng đã và đang diễn ra ở Nigeria. Thành phố Lagos, trung tâm kinh tế lớn nhất của Nigeria, từ lâu đã được biết đến với sự năng động và dễ dàng để thành công, nhưng sự rớt giá của đồng nội tệ naira đã tạo thêm áp lực lên giới trẻ trong việc kiếm tiền, khi chi phí sinh hoạt tăng vọt. Điều đó đã khiến càng nhiều người trẻ Nigeria tìm đến chứng khoán trong và ngoài nước, với mong muốn bảo vệ tài sản của họ khi “cơn ác mộng” naira mất giá tiếp tục diễn ra.

Có nên “khô máu” với chứng khoán để “đổi đời”?

Hay một câu hỏi khác: "Có nên rót hết tiền vào chứng khoán không?". Thoạt nghe, câu hỏi này không khó trả lời, bởi lẽ, trong giới đầu tư, hầu như bất cứ ai cũng biết đến quy tắc kinh điển "Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ", tức là không nên đầu tư tất cả tiền mình có vào một loại hình đầu tư nhất định để hạn chế rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Nhiều người trẻ dẫu biết, nhưng lại làm không được, nhất là với những người nóng vội, tham vọng nhưng lại không có kiến thức và chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, hay còn gọi là những F0. Nhiều người đã bị ảnh hưởng, hao hụt cả về tâm lý, tinh thần lẫn vật chất do sự lên xuống không thể kiểm soát của bảng giá chứng khoán. Nhưng họ cũng không thể dừng lại bởi hiệu ứng FOMO (viết tắt của Fear of Missing Out) – hiểu nôm na là nỗi sợ bị mất một khoản lời khi một cổ phiếu nào đó đang trên đà tăng giá mạnh mẽ trong thời gian ngắn, thôi thúc người đó phải mua cổ phiếu đó ngay lập tức.

Đầu tư chứng khoán: 'Kênh trú ẩn' tốt cho tài chính giới trẻ?
Có nên "rót" hết tiền vào chứng khoán không?

Khi mới đầu tư, đa số các bạn trẻ F0 thường cảm thấy kiếm tiền thật dễ khi thấy rất nhiều người đã thành công, thu về rất nhiều tiền khi giá trị cổ phiếu tăng cao. Bị mê hoặc bởi “làm giàu không khó”, càng nhiều người trẻ chấp nhận nhịn ăn, nhịn mặc, dồn hết tiền tiết kiệm, tiền học, tiền ăn uống, thậm chí bán cả xe, đi vay mượn, cầm cố, thế chấp tài sản để “đổ” hết vào chứng khoán.

Đối với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên - những người chưa có nhiều kiến thức về chứng khoán thì chỉ nên đầu tư với mục đích lấy kinh nghiệm, học thêm những điều mới, xác định lời lãi, thua lỗ không quan trọng. Tuy vậy, bên cạnh những người luôn giữ được tâm lý vững vàng, nhiều người đã ngay lập tức bị lung lay trước sự dao dộng của thị trường chứng khoán.

Do không tìm hiểu kỹ thị trường, kiến thức hạn hẹp cộng với lòng tham, nhiều bạn trẻ có lối tư duy "được ăn cả ngã về không", dẫn đến tình trạng “hăng máu xuống tiền tất tay” vào chứng khoán nhưng lại không dám "chốt lời" khi giá cổ phiếu tăng, không dám "cắt lỗ" khi giá cổ phiếu giảm. Lòng tham chi phối sự sợ hãi, khiến số vốn của họ ngày càng "mỏng" hơn, nhiều người đi vay mượn để “chơi” cổ phiếu còn rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu hơn.

Đầu tư chứng khoán: 'Kênh trú ẩn' tốt cho tài chính giới trẻ?
Chứng khoán là hình thức đầu tư phổ biến nhưng không dành cho tất cả mọi người.

Tại Việt Nam hay trên thế giới hiện nay, người trẻ còn đang bị thu hút bởi những lời thổi phồng trên mạng về "cổ phiếu meme", tức là nhóm cổ phiếu có giá phụ thuộc vào xu hướng đầu tư của thị trường chứ không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình là GameStop (GME), AMC Entertaiment (AMC), … Hiện nay, các nhà đầu tư mới phụ thuộc nhiều hơn vào các phương tiện truyền thông đương đại, như YouTube, các mạng xã hội khác... để nắm bắt các cách thức đầu tư và tin tức - đây vừa là một lợi thế nhưng cũng vừa là một thách thức đối với những người không hiểu thị trường và không có kỹ năng phân tích thông tin.

"Nói tới đầu tư, mọi người thường nhắc tới chứng khoán hay bất động sản. Nhưng tôi chưa có vốn để đầu tư bất động sản nên quyết định đổ tiền vào chứng khoán. Khi mới mở tài khoản, tôi chưa có kiến thức, chỉ biết mua thấp, bán cao. Những ngày đầu tôi thường nghe mọi người 'phím', bảo mua mã này mã kia, rồi khi nào bán cũng nghe theo lời tư vấn của người khác. Ngay lần đầu mua, tôi ngay lập tức lãi gấp đôi. Thế mà chỉ sau vài ngày, giá đột ngột giảm làm tôi hoang mang muốn bán ngay. Sau này tôi mới biết việc mua bán chứng khoán không đơn giản như vậy.", một bạn trẻ tại Hà Nội chia sẻ.

Có phải "kênh trú ẩn" an toàn?

Đối với tài chính giới trẻ, chứng khoán là một hình thức đầu tư phổ biến hiện nay nhưng không phải ai cũng phù hợp. Những thách thức lớn nhất đối với những nhà đầu tư chứng khoán trẻ tuổi là chưa có kiến thức bài bản, non kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế.

Một số chuyên gia tư vấn đầu tư chứng khoán khuyến cáo, thời điểm đầu tham gia thị trường, các bạn nên bỏ vào một số vốn nhỏ, khoảng dưới 10 triệu là ổn, với mục đích học hỏi, cảm nhận được cách thị trường vận hành, bổ sung kiến thức và kỹ năng phân tích cơ bản. Thời gian làm quen này có thể kéo dài từ 1-2 năm trở lên để nhà đầu tư trẻ tích luỹ vốn hiểu biết, giữ vững tâm lý nhằm đưa ra những quyết định sáng suốt hơn với khoản đầu tư của mình trong tương lai.

Đầu tư chứng khoán: 'Kênh trú ẩn' tốt cho tài chính giới trẻ?
Người đầu tư chứng khoán cần có nền tảng kiến thức và tâm lý vững vàng để không bị chi phối bởi các con số, dao động trên thị trường.

Thiếu kiến thứckinh nghiệm: Một nghiên cứu của Đại học Colorado (Mỹ) cho thấy, các nhà đầu tư trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm có xu hướng tự tin quá mức khi mới bắt đầu mua và bán cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, ETF... Điều này dễ đến "nhắm mắt làm liều", trong khi đó giới đầu tư cần sự thận trọng, tự tin ở mức độ làm chủ được hành động và kết quả đạt được. Hiểu biết về tài chính có thể học được, chứ không nhất thiết phải là bẩm sinh. Nền tảng kiến thức vững chắc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi nhận ra đâu là cơ hội đầu tư có triển vọng trong "hằng hà sa số" các mã cổ phiểu trên thị trường.

Nguồn vốn hạn chế: Không phải người trẻ nào cũng có đủ vốn để tiếp cận các cơ hội đầu tư lớn. Do vậy, người trẻ sẽ phải có kế hoạch làm việc và tiết kiệm hợp lý để có những khoản tích luỹ đủ đầy để bước vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, họ cũng có thể bắt đầu với nguồn vốn nhỏ. Nhưng điều đó không có nghĩa họ phải bất chấp tất cả, đẩy bản thân vào tình trạng khó khăn, nợ nần.

Thiết nghĩ, cuộc sống của các bạn trẻ vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ đợi trong tương lai, vì thế không nên để nỗi lo tiền bạc ám ảnh. Tuổi trẻ luôn phải tham vọng, nhưng hãy tỉnh táo và đừng để lòng tham của mình chi phối. Đam mê kiếm tiền thông qua đầu tư tài chính như đầu tư chứng khoán vốn là điều không đáng chê trách gì nhưng phải có phương pháp tiếp cận và đầu tư phù hợp, để không bị chính đồng tiền và những màu xanh, đỏ, … trên bảng giá chứng khoán làm gia tăng thêm áp lực.