Những năm gần đây, thương hiệu nước hoa Charme Perfume của Công ty Cổ phần Charme Perfume nổi lên trên thị trường với hàng loạt cửa hàng trên cả nước. Sản phẩm nước hoa Charme Perfume được giới thiệu đến từ Pháp những sau khi Báo Công Thương "phanh phui" về mẹ đẻ của dòng nước hoa Charme Perfume khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng khi sử dụng sản phẩm này.

Trên website http://charmeperfume.vn - website chính thức của thương hiệu nước hoa Charme Perfume thì phần giới thiệu thể hiện: “Nước hoa Charme được nhập khẩu nguyên liệu hoàn toàn từ Pháp và được sản xuất chiết rót tại nhà máy Việt Nam theo công thức hoàn toàn được chuyển giao từ châu Âu với công nghệ điều chế và chưng cất hiện đại. Nhà máy sản xuất đạt chuẩn ISO và GMP.”.

Chi nhánh nước hoa Charme tại 311 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Chi nhánh nước hoa Charme tại 311 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh

Đáng chú ý, dù charmeperfume.vn là website giới thiệu và chào bán các sản phẩm nước hoa của thương hiệu Charme Perfume nhưng website này lại không hề có dấu xanh thể hiện "Đã thông báo với Bộ Công thương".

Trong khi đó, căn cứ theo nghị định số 52/2013/NĐ – CP được ban hành vào ngày 16/05/2013, thông tư 47/2014/TT – BCT được ban hành vào ngày 15/12/2014, cùng với nghị định 185/2013/ND – CP quy định xử phạt các vi phạm hành chính trong mọi hoạt động thương mại ban hành vào ngày 15/11/2013, yêu cầu toàn bộ những website đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đều phải thực hiện thông báo hay đăng kí với Bộ Công Thương.

Website khi đã đăng ký với Bộ Công Thương thì doanh nghiệp hay tổ chức sẽ được gắn 1 logo có chứa đường link dẫn đến Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương xác nhận đăng kí thành công. Điều này sẽ tăng sự uy tín cho website của thương hiệu và người tiêu dùng sẽ không bị sợ hãi gặp phải công ty ma. Hiện tại, khi truy cập vào website charmeperfume.vn thì chỉ hiển thị thông báo website bị lỗi.

Bên trong khu chiết rót nước hoa Charme. Ảnh báo Công Thương
Bên trong khu chiết rót nước hoa Charme. Ảnh báo Công Thương

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối nhận định và đưa ra quan điểm liên quan đến vụ việc "góc khuất bên trong nhà máy sản xuất nước hoa Charme Perfume của Công ty Cổ phần Charme Perfume". Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: Nhiều người nghĩ đơn giản cứ nhập nguyên liệu về, rồi tự chế, dán nhãn mác một thương hiệu nào đó rồi bán sản phẩm ra thị trường. Họ sẵn sàng lợi dụng, sử dụng thương hiệu nổi tiếng để bán, kinh doanh và trục lợi. Đặc biệt các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa có nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì thế, chúng ta rất quan tâm đến vấn đề mặt hàng này và đặt ra các câu hỏi: Thế nào là hàng giả? Hậu quả của việc sử dụng hàng giả là như thế nào? Và chế tài sử lý đối với hàng giả?

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng thì được hiểu là:

  • Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

  • Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

  • Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Nếu một cá nhân, tổ chức nào đó ở Việt Nam khi sản xuất mà không đảm bảo được các yêu tố trên và không có giấy phép nhượng quyền thương hiệu CHARME FERFUME và không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về sản xuất, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì rõ ràng đây là những hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả.

Câu chuyện hàng giả và vấn đề của Charme Perfume
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối nhận định và đưa ra quan điểm liên quan đến vụ việc "góc khuất bên trong nhà máy sản xuất nước hoa Charme Perfume của Công ty Cổ phần Charme Perfume".

Tủy thuộc hậu quả, hành vi, tính chất mức độ, quy mô mà các hành vi sản xuất, mua bán, kinh doanh hàng giả sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

1/ Đối với việc xử lý hành chính thì mức xử lý như sau:

  • Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mức xử phạt lên đến 100 triệu đồng nếu là mỹ phẩm.

  • Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mức xử phạt lên đến 100 triệu.

2/ Trường hợp đủ căn cứ khởi tố hình sự thì người buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả thì mức độ xử lý như sau:

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 BLHS 2015

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Làm chết người;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

l) Buôn bán qua biên giới;

m) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.