Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5 và 6/2023, xuất khẩu sầu riêng của nước ta tăng đột biến, thu về lần lượt là 332 triệu USD và 375 triệu USD so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Theo đó, nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng đột biến 1.882% so với mức 44,2 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của nước ta trong 6 tháng vừa qua.

Sầu riêng cũng vươn lên vị trí top 1 trong nhóm trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, thay thế vị trí của quả thanh long.

Đó là nhờ việc Trung Quốc mở cửa chính ngạch cho quả sầu riêng Việt Nam vào tháng 7/2022. Từ giữa tháng 9/2022 - lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đến nay, kim ngạch trái cây này liên tục lập kỷ lục mới.

Tính chung trong 6 tháng qua, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với con số 44,2 triệu USD của cùng kỳ năm trước (tăng khoảng 20 lần). Trong đó, quả sầu riêng của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Như vậy, trong tháng cao điểm, ước tính Trung Quốc đã chi đến 350 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam.

Nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã chi 835 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam. Ảnh minh họa
Nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã chi 835 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam. Ảnh minh họa

Sự đột biến này xuất phát từ việc Trung Quốc mới mở cửa chính ngạch cho quả sầu riêng Việt Nam vào tháng 7/2022, đến tháng 9/2022 mới có lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường tỉ dân này. Nhờ vậy, tính chung cả năm 2022, sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm trước đó.

Cuối tháng 5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường này, nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số tương ứng là 293 và 115 cơ sở đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, hiện diện tích này mới chiếm 14% trên tổng diện tích sầu riêng của cả nước. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT có những dự báo về khả năng có thể thay đổi tỷ lệ này trong thời gian tới .

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN- PTNT cho biết: "Cục Bảo vệ thực vật vừa gửi Hải quan Trung Quốc danh sách gần 600 mã vùng trồng và hơn 60 cơ sở đóng gói để kiểm tra trực tuyến trong thời gian tới. Nếu con số này được phê duyệt, nó sẽ nâng tỷ lệ lên khoảng 33% - 35% tổng diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu. Như vậy có thể nói lệ này tăng tương đối nhanh…”.