Nền kinh tế Việt Nam được quốc tế đánh giá là ví dụ điển hình cho các quốc gia đang phát triển khác sớm trở thành những nền kinh tế với “động cơ tên lửa đẩy”, nhiều chuyên gia, định chế tài chính tin tưởng, Việt Nam có thể lọt top 20-30 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), tổ chức có trụ sở tại London, Anh, Việt Nam sẽ lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036.

Việt Nam có thể lọt vào 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đến năm 2036
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua và được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ lần lượt tăng từ hạng 36 (năm 2022) lên hạng 30 (năm 2026), hạng 24 (2031) và hạng 20 vào năm 2036. Như vậy tính từ năm 2021 đến năm 2036 (15 năm) Việt Nam thăng 21 hạng từ hạng 41 lên hạng 20 thế giới, còn nếu tính từ 2006 (30 năm) Việt Nam sẽ thăng 36 hạng từ hạng 56 lên hạng 20 thế giới.

Khi đó, ở khu vực ASEAN, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 sau Indonesia (thứ 8), tiếp sau Việt Nam lần lượt là Thái Lan (thứ 22), Philippines (thứ 25), Malaysia (thứ 34), Singapore (thứ 41), Myanmar (thứ 87), Cambodia (thứ 95), Lào (thứ 101), Brunei (thứ 136), Timor Leste (thứ 165), theo CEBR.

Đứng sau Việt Nam có một loạt các nước châu Âu theo thứ tự sau: Ba Lan (thứ 21), Thụy Sĩ (thứ 23), Ireland (thứ 28), Áo (thứ 29), Thụy Điển (thứ 30), Bỉ (thứ 31), Israel (thứ 32), Rumania (thứ 36), Na Uy (thứ 39), Đan Mạch (thứ 43), Czech (thứ 46), Phần Lan (thứ 52), Bồ Đào Nha (thứ 55), Hungary (thứ 56), Hy Lạp (thứ 58).

Tại hội thảo “Triển vọng Thị trường 2022” được Ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam, đã nhận định: T rong khi con tàu kinh tế thế giới khó lường và triển vọng toàn cầu vẫn bất ổn, thì “niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam” và quốc gia Đông Nam Á này vẫn là điểm sáng khá tích cực.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần FPT, một trong các thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, cũng cho rằng Việt Nam sẽ lọt vào 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2036, với tổng GDP quốc gia là 1.579 tỷ USD (tính theo giá hiện tại).

Một trong những động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.

Mặt khác, Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới xét về tỷ trọng với GDP, chỉ đứng sau Malaysia trong nhóm các nền kinh tế ASEAN.

Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam, một phần do chiến lược China+1 và một phần 15 Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam đã tham gia, thị trường xuất khẩu FDI sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn FDI thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, để đạt được viễn cảnh nêu trên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức, đó là cải thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số trên mọi mặt của cuộc sống,…

Việt Nam có thể lọt vào 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036
Nền kinh tế thế giới có thể suy giảm trong năm nay và năm tớii.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới, trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động toàn cầu đang kìm hãm tăng trưởng. Năm 2022, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán mức thâm hụt số giờ làm việc toàn cầu tương đương với 52 triệu lao động toàn thời gian bị mất việc trên thế giới.