1 trong 5 yếu tố gây gánh nặng bệnh tật

Hiện nay, Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường như sự gia tăng quá tải của rác thải, ô nhiễm không khí hay ô nhiễm sông hồ... Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng và chất lượng cuộc sống người dân.

Đặc biệt, “ô nhiễm không khí” và “bụi mịn PM2,5” từ “vô hình” đã trở nên “hữu hình” hơn với với công chúng khi các chỉ số chất lượng không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2,5 được cập nhật theo thời gian thực nhờ đa dạng cách thức giám sát và dữ liệu được truyền tải theo thời gian thực.

Từ dự án “Chung tay vì không khí sạch”, được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cho thấy, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 (8 - 35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019 (9 - 41 µg/m3).

Các vùng có nồng độ bụi PM2.5 cao là đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển), TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

trien-khai-nhieu-giai-phap-cai-thien-chat-luong-khong-khi-tai-ha-noi.png

Vườn hoa được tưới phân hữu cơ tại huyện Đông Anh - Ảnh: Live & Learn

Trong năm 2020, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố (chiếm 40%) có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh/thành vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019 - 2020 đều vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019.

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí từ bụi PM2,5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Ô nhiễm không khí là 1 trong 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng.

Truy nguồn, kết hợp nhiều giải pháp

Để giảm ô nhiễm không khí hiệu quả, cần đầu tư nghiên cứu khoa học để định lượng các nguồn gây ra ô nhiễm không khí. Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường.

Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, chỉ có ⅓ lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và ⅔ lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.

trien-khai-nhieu-giai-phap-cai-thien-chat-luong-khong-khi-tai-ha-noi-3-.png

Số lượng bếp than tổ ong ở Hà Nội (2017 - 2021) - Ảnh: Live & Learn

Theo Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2020 - 2021 của Trường đại học Khoa học Tự nhiên, ở vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021), khối lượng bụi PM2,5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).

Cuối năm 2019, TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30.10.2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các quận huyện phối hợp cùng đối tác lập kế hoạch, triển khai các chương trình Loại bỏ than tổ ong tại cộng đồng, như nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ chuyển đổi bếp tại địa phương và tái chế bếp than tổ ong sau thu hồi.

Theo đó, tính đến hết tháng 12.2021, Hà Nội còn khoảng 316 bếp than tổ ong tại 30 quận huyện trên địa bàn thành phố. Lượng khí thải CO do sử dụng bếp than tổ ong giảm 19.000 tấn, tính đến tháng 12.2020 (so với năm 2017). Lượng bụi mịn (PM2.5) giảm 1,658 tấn/năm.

trien-khai-nhieu-giai-phap-cai-thien-chat-luong-khong-khi-tai-ha-noi-2-.png

Vườn rau được tưới phân hữu cơ tại huyện Đông Anh - Ảnh: Live & Learn

Trong năm 2020 - 2021, các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh... đã lập kế hoạch thúc đẩy các giải pháp truyền thông, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng.

Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng, bao gồm sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuốn rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác và thu gom rơm làm thức ăn cho cá, làm mái nhà, sân chơi…

Ngoài ra, chương trình đã thành công trong việc kết nối và chia sẻ thông tin với một mạng lưới các đối tác cam kết xử lý rơm rạ, bao gồm 9 doanh nghiệp cung cấp giải pháp, 11 Hợp tác xã Nông nghiệp và 5 nhóm cộng đồng địa phương như Hội phụ nữ, Hội nông dân… Cùng với đó, thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện giải pháp xử lý rơm rạ thay thế đốt tới ít nhất 966ha tại 37 xã của 5 huyện thực hiện thí điểm.

Đến hết tháng 2.2022, toàn huyện Đông Anh có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).

Tính đến ngày 30.3.2022, trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm).