Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số

Qua 2 năm sống chung với dịch bệnh COVID-19, chuyển đổi số đã được áp dụng rộng rãi vào các dịch vụ cốt lõi của ngành ngân hàng như: thanh toán, tín dụng, tiết kiệm... Trong đó phải kể đến thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm, nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Hiện nay, chuyển đổi số đã giúp các dịch vụ ngân hàng len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống.

chuyen-doi-so.jpg

Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đi vào cuộc sống người dân

Là sinh viên năm thứ nhất, bạn Hương Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) thường phải tự mình sắm sửa mọi thứ, từ việc học tập đến cuộc sống sinh viên. Tuy nhiên, thời gian qua thay vì dùng tiền mặt, bạn đã được bố mẹ nạp tiền vào ví điện tử để chỉ tiêu. "Trong lúc dịch bệnh phức tạp, việc thanh toán qua ví điện tử, theo mình nghĩ là lựa chọn an toàn cũng tiết kiệm phù hợp với sinh viên như mình. Trên ví điện tử của mình có những mã giảm tới 10%, giúp mình tiết kiệm được một khoản", bạn Liên chia sẻ.

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi giao dịch trực tuyến đều được hạn chế, mặt khác cũng ngại ra ngân hàng mở tài khoản trực tiếp vì nhà có con nhỏ, chị Hải Minh (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết chị ngồi tại nhà mà vẫn có thể mở được tài khoản trực tuyến tại ngân hàng bằng giải pháp định danh trực tuyến vào bất cứ khi nào, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

"Tôi có thể mở tài khoản, tùy chọn số tài khoản, đăng ký sử dụng ứng dụng, phát hành thẻ... chỉ trong một vài phút. Tôi cũng có thể ngồi tại nhà thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, internet, viện phí, học phí, đặt vé tàu xe, máy bay, vé xem phim... thậm chí tôi còn mua mớ rau, củ hành, quả ớt qua điện thoại nếu tôi không muốn ra ngoài", chị Minh nói.

Tuy nhiên, vào thời điểm cận Tết vừa qua, các app chuyển tiền liên tục xảy ra lỗi khi đăng nhập, khiến việc chuyển tiền của chị rất khó khăn. Cụ thể, sau khi đăng nhập được, nhập các thông tin như số tài khoản, số tiền chuyển... thì app liên tục báo lỗi như "Lỗi trong quá trình xử lý dữ liệu, vui lòng thử lại sau", "Xin lỗi hệ thống không cập nhật được trạng thái giao dịch", hay "Kết nối đến hệ thống tạm thời bị gián đoạn. Vui lòng thử lại sau".

Vấn đề này không chỉ ở một thời điểm mà gần như dịp tết năm nào cũng xảy ra. Chị Minh cho rằng ngân hàng cần phải xử lý triệt để việc nghẽn mạng của các app ngân hàng, khắc phục sớm để đảm bảo việc thanh toán của người dân được thông suốt. Trường hợp chị Hải Minh không phải cá biệt, rất nhiều người cũng cho biết nhiều lúc rất khó chuyển tiền qua app hay Internet Banking ở nhiều ngân hàng.

Với chuyển đổi số, bên cạnh vấn đề bảo mật thì hệ thống hạ tầng công nghệ được xem là yếu tố trọng yếu. Hạ tầng công nghệ vận hành tốt sẽ đảm bảo các dịch vụ ngân hàng hoạt động thông suốt, thuận lợi, phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán cũng như các nhu cầu khác cho người dân.

Các ngân hàng đang chuyển đổi số thế nào?

Thời gian qua, thị trường ngân hàng Việt Nam chứng kiến sự sôi động của quá trình chuyển đổi số. Những cuộc đua đang diễn ra trong bối cảnh phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ... nhằm thích nghi với đại dịch COVID-19.

Ví dụ, ngân hàng Vietcombank đã triển khai dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Ngân hàng Techcombank tập trung phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (Ebanking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng. MBBank triển khai tích hợp tất cả giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính miễn phí trên app MBBank và Biz MBBank.

Nam A Bank nâng cấp toàn diện Ngân hàng số Open Banking phiên bản 2.0. Ngân hàng nãy cũng ra mắt các dịch vụ: chuyển tiền QR Napas 24/7, QR Payment, thẻ tín dụng phi vật lý Happy Digital giúp khách hàng giao dịch mà không cần giữ thẻ trong ví. Hay TPBank triển khai mô hình ngân hàng LiveBank tự động giúp khách hàng chỉ mất vài giây để nhận diện và 30 giây để xử lý giao dịch.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều dịch vụ thanh toán mới như: thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking,... đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Chuyển đổi số không chỉ giúp người dân được hưởng lợi mà qua đó cũng giúp lợi nhuận của các ngân hàng tăng bền vững vì tốn ít chi phí hoạt động hơn. Cụ thể, nhờ việc tối ưu hóa chi phí và ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành, chi phí hoạt động của VPBank được tiết giảm 7,4%. Tỷ lệ CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) theo đó chỉ còn 23,4% trong nửa đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 31% ở cùng kỳ. Đây cũng là một trong những ngân hàng có hệ số CIR ở mức thấp nhất trong hệ thống.

TPBank cũng đã tiết kiệm được các khoản chi phí quản lý lớn, chỉ bằng 1/30-1/50 so với kênh giao dịch truyền thống. Ở TPBank, hiện có trên 92% tổng số giao dịch được thực hiện trên nền tảng số nên chi phí quản lý giảm đi rất nhiều.

Để chuyển đổi số thành công

Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam chưa có tính tổng thể, năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh dẫn đến những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng. Bên cạnh đó là những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật.

Trong khi đó, chuyển đổi số ngành ngân hàng mới tập trung chủ yếu ở số hóa kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng như cho vay, tiền gửi vẫn còn phải thực hiện theo quy trình bán tự động.

Theo đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam bắt kịp với xu hướng thế giới mà vẫn đảm bảo an toàn trong giao dịch tài chính, trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Cấn Văn Lực cho rằng với chuyển đổi số ngành ngân hàng, người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn. Vì vậy, các ngân hàng cần gia cố và nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu bao gồm cả dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp để việc xác thực và giao dịch mua bán được tiến hành thuận lợi, chính xác và nhanh chóng. "Chúng ta cần định hình hệ sinh thái là gì, cần đi từ nội hàm căn bản, trong đó có các phạm trù: khách hàng, kết hợp đa dạng sản phẩm, dịch vụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều nhà cung cấp khác nhau. Cuối cùng là phải được tích hợp dữ liệu trên nền tảng số", TS Lực cho hay

Cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số Việt Nam nói chung và mô hình kinh doanh mới, trong đó có lĩnh vực tài chính tiền tệ như ngân hàng số.

Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ đã nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước tiên là ngành tài chính - ngân hàng. Vì vậy, TS Lực cho rằng cần phải nâng cao sự hiểu biết của người dân, của doanh nghiệp về các dịch vụ số của ngành ngân hàng. Theo ông, cần sớm triển khai chương trình giáo dục tài chính, đây được xem là một trụ cột trong thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện mà Thủ tướng đã ban hành.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng những giải pháp, công nghệ tiên tiến và các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước về những vấn đề phát sinh mất an ninh, an toàn trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Giới chuyên gia dự báo năm 2022, trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, xu hướng chuyển đổi số trong các ngân hàng sẽ ngày càng được đẩy mạnh với tốc độ nhanh hơn, hiện đại hơn, tối ưu hơn, toàn diện hơn.