Trong nhiều năm gần đây, người dân nông thôn mua hàng online ngày càng nhiều, khiến thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở nông thôn tăng trưởng mạnh mẽ. Thậm chí, có những thời điểm, ước tính lượng khách mua hàng qua mạng từ nông thôn cao gấp 4 - 5 lần so với người dân thành thị.

Trong cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ quý 2/2023 được Bộ Thông tin & Truyền thông vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về việc thị trường tại nông thôn đã và đang đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của TMĐT.

Thương mại điện tử 'bùng nổ' tại nông thôn kích cầu tiêu thụ nông sản Việt
Người nông dân ngày càng mua hàng online nhiều hơn. (Ảnh minh hoạ)

Trích dẫn lời ông Phạm Hồng Quân - Tổng giám đốc Công ty Giao hàng tiết kiệm, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ thói quen mua sắm qua mạng, nhưng đáng chú ý nhất là ở khu vực nông thôn. Thị trường TMĐT Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ ở khu vực này, đặc biệt là trên các kênh thương mại mạng xã hội, cho thấy người dùng mua sắm đa kênh và đang có xu hướng yêu thích hình thức mua sắm online kết hợp giải trí.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp TMĐT đang có xu hướng triển khai các chiến lược hướng về nông thôn. Điển hình là dự án hợp đã đa bên “Tôn vinh nông sản Việt” của Shopee, ShopeeFood vừa cùng FoodMap.Asia (FoodMap) - đơn vị chuyên kết nối nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Được biết, dự án sẽ diễn ra từ tháng 4 - 12/2023, hướng đến mục tiêu hỗ trợ nhà vườn trồng cây ăn trái tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bắc Giang… với 3 nội dung chính bao gồm: Hỗ trợ người nông dân bảo tồn cây bản địa lâu năm; Giới thiệu nông sản Việt đến người dùng Shopee và Hỗ trợ một số nhà vườn địa phương cải thiện quy trình sản xuất, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Đây là dự án nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ nhà vườn tại các địa phương của Shopee và ShopeeFood kết hợp cùng Foodmap với mục tiêu giúp các nhà vườn xây dựng kinh doanh bền vững, củng cố thêm giá trị thương hiệu, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Trong tháng 4, Shopee, ShopeeFood và FoodMap đã thực hiện hỗ trợ nông dân tỉnh Khánh Hòa quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ cho các sản phẩm xoài cổ của địa phương này trên nền tảng thương mại điện tử Shopee và ShopeeFood.

Đáng nói, các chuyên gia, doanh nghiệp đều đánh giá nông thôn là khu vực tiềm năng cả về số lượng và sức mua, là dư địa để thúc đẩy TMĐT và mở rộng phát triển kinh tế số.

Theo thống kê, trong giai đoạn bùng nổ TMĐT từ năm 2019 - 2022, số lượng người mua sắm online tăng trưởng nhanh, dẫn tới tổng sản lượng đơn hàng và tổng giá trị hàng hóa của thị trường nông thôn đều tăng mạnh mẽ hơn so với thành thị.

Theo báo cáo của Facebook và GroupM Việt Nam, có tới 91% người dân nông thôn sử dụng Internet, trong đó 46% người tiêu dùng nông thôn đã mua hàng online, cho thấy người tiêu dùng ở nông thôn rất thành thạo sử dụng điện thoại di động thông minh và dịch vụ kỹ thuật số.

Năm 2022, người mua sắm online ở nông thôn tăng vọt tới 200% so với năm 2019, trong khi khu vực thành thị tăng hơn 30% trong cùng kỳ.

Tổng sản lượng đơn hàng khu vực nông thôn cũng đã tăng 147% so với năm 2019, trong khi tổng sản lượng đơn hàng khu vực thành thị tăng 36% trong cùng kỳ.

Tổng giá trị hàng hóa khu vực nông thôn tăng 2,7 lần so với năm 2019, trong khi tổng giá trị hàng hóa khu vực thành thị tăng gấp đôi trong cùng kỳ.

Sự bùng nổ của mạng xã hội và các kênh truyền thông giúp người tiêu dùng ở nông thôn dần tiếp cận thông tin và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn và thị trường này còn rất rộng lớn để khai thác.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng online sẽ luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn, chủ động hơn trong việc được lựa chọn quyền mua, quyền được phục vụ… so với các giao dịch mua bán truyền thống.

Điều này cũng đồng nghĩa, quả thực trên thực người nông dân ngày càng mua hàng online nhiều hơn, nhưng họ cũng sẽ ngày càng “khó tính” hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm chất lượng phù hợp với giá cả. Do đó, những doanh nghiệm kinh doanh trên môi trường TMĐT có những hành vi gian dối, “chụp giật” thì vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị “tẩy chay”, không bán được hàng, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.