Điều kiện để có thể kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn

Đầu tiên cần phải hiểu, phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn thuộc nhóm cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn cần phải sử dụng dao kéo để can thiệp vào cấu trúc da và xương, máu, da,... gây chảy máu, đau đớn. Khách hàng phải trải qua các cuộc phẫu thuật kéo dài.

Theo pháp luật Việt Nam hiện tại ngành kinh doanh thẩm mỹ có nhóm cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu.

Cơ sở kinh doanh phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn cần phải đáp ứng những quy định khắt khe về y khoa.
Cơ sở kinh doanh phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn cần phải đáp ứng những quy định khắt khe về y khoa. Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa. Để được cấp Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện cần phải đáp ứng các điều kiện:

Điều kiện cơ sở vật chất: Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh; Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh; Có buồng lưu người bệnh; Các điều kiện khác tùy theo phạm vi chuyên môn đăng ký; Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật; Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.

Điều kiện về trang thiết bị y tế: Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký; Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

Điều kiện về nhân sự: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó; Các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Theo quy định người hành nghề đã có chứng chỉ chuyên khoa định hướng tạo hình thẩm mỹ và đã thực hành đủ 18 tháng về chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Ngoài ra, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ cần đáp ứng một số quy định khác về an ninh, trật tư như: Người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy,…

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có dịch vụ thẩm mỹ. Những vi phạm cơ bản về giấy phép hoạt động kinh doanh, chuyên môn kỹ thuật. Tùy hành vi vi phạm mà mức phạt đối với cơ sở kinh doanh thẩm mỹ có thể lên tới 50 triệu đồng hoặc tước giấy phép hay tạm đình chỉ hoạt động.

Cẩn trọng với những lời quảng cáo "đường mật"

Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay, để đối phó với cơ quan chức năng và “lấy lòng” các khách hàng, một số cơ sở làm đẹp thường trưng ra những “giấy chứng nhận”, “bằng khen” do các tổ chức hội không rõ ràng trao tặng. Tuy nhiên, các loại “chứng nhận”, “bằng khen” đó không thể thay thế được các giấy tờ theo quy định pháp luật như giấy phép hành nghề, giấy phép đăng ký kinh doanh.

Đề cập đến công tác quản lý các cơ sở làm đẹp, Thanh tra Sở Y tế cho biết, hằng năm Thanh tra Sở Y tế phối hợp với phòng y tế các quận, huyện tổ chức nhiều đợt tăng cường công tác thanh, kiểm tra… Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở dùng các “chiêu” để đối phó với đoàn kiểm tra, như liên kết, giới thiệu khách hàng cho nhau qua điện thoại, hẹn địa điểm, giờ thực hiện các kỹ thuật làm đẹp ở nhiều nơi khác nhau và thường xuyên thay đổi. Có những cơ sở, Thanh tra Sở phải phối hợp với Công an Thành phố theo dõi hai tháng để có đầy đủ bằng chứng pháp lý mới có thể lập được biên bản vi phạm và xử lý…

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, qua kiểm tra, các sai phạm mà các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ thường mắc nhiều nhất vẫn là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng các giá trị thật của các dịch vụ làm đẹp… Có trường hợp, nơi quảng cáo không phải là nơi trực tiếp thực hiện các dịch vụ làm đẹp mà chỉ là trung gian nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, việc các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi chung là thẩm mỹ viện cũng dễ khiến người dân hiểu lầm nơi đây có thể thực hiện các phẫu thuật làm đẹp. Chính vì đặt niềm tin nhầm địa chỉ nên không ít chị em đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, xăm mắt… không thành công.

Nhiều nạn nhân vì chủ quan, vội tin vào những lời quảng cáo mà gánh hậu quả thương tâm từ các cơ sở thẩm mỹ không phép
Nhiều nạn nhân vì chủ quan, vội tin vào những lời quảng cáo mà gặp phải những hậu quả thương tâm từ các cơ sở thẩm mỹ "chui". Ảnh minh họa

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, để tránh “tiền mất, tật mang”, những người đi làm đẹp nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ về lĩnh vực này. Ngoài những thông tin từ đội ngũ tư vấn viên spa, nên tham khảo thêm các thông tin khuyến cáo từ ngành Y tế. Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện. Chỉ có các bệnh viện lớn như Bệnh viện 108, Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, Đa khoa Xanh Pôn… mới được tiến hành các thủ thuật này.

Đây là những kỹ thuật bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24 giờ, chăm sóc hậu phẫu... Các thẩm mỹ viện, dù có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cũng không được phép tiến hành những phẫu thuật trên.

Hàng ngày, trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo,… tràn ngập những dòng tin, quảng cáo về các dịch vụ làm đẹp. Nhiều địa chỉ còn cam kết có chuyên gia nước ngoài uy tín hỗ trợ công nghệ làm đẹp. Trước những lời giới thiệu như “rót mật” vào tai, nhiều người đã tin tưởng tìm đến các cơ sở làm đẹp này. Thế nhưng, đẹp đâu chưa thấy mà lại rước họa vào thân.

Bác sĩ Bạch Minh Tiến, công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, trong quá trình điều trị, bệnh viện đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân sau khi sử dụng dịch vụ tại nhiều spa, thẩm mỹ viện bị biến chứng. Đa phần biến chứng là nhiễm trùng tại chỗ. Điều đáng lo ngại, theo bác sĩ Bạch Minh Tiến, nhiều cơ sở làm đẹp không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn như diện tích, ánh sáng, điều kiện vô khuẩn, không đủ phương tiện y tế cần có… nên dễ gây biến chứng cho khách hàng. Trong khi đó, đa số chị em khi đi phẫu thuật thẩm mỹ đều không muốn cho người khác biết, do đó họ thường chọn nơi kín đáo và ngại đến bệnh viện công...

Một số chuyên gia y tế khẳng định, bất kỳ can thiệp dao kéo nào cũng đều có một tỷ lệ nhất định các biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch… do vậy, các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, nâng mũi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện, đặc biệt là các cơ sở làm đẹp không đảm bảo chất lượng.

Bác sĩ Trần Trương khuyến cáo, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, mọi người nên tìm đến những bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo kỹ; thực hiện tại các khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín.“Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành”, bác sĩ Thương nói.