Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc?
Việt Nam và Hàn Quốc đều có Tết cổ truyền nhưng có rất nhiều phong tục khác nhau.

Nghỉ Tết

Số ngày nghỉ của đón Tết của người Việt Nam thường kéo dài trong khoảng 1 tuần đến 2-3 tuần tuỳ từng đối tượng. Chẳng hạn, Tết Nguyên Đán 2022, học sinh được nghỉ ít nhất là 7 ngày đến 14 ngày tuỳ từng địa phương. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được 5 ngày nghỉ Tết từ ngày 31/01/2022 đến hết ngày 04/02/2022.

Trong khi đó, người Hàn Quốc có ngày đón Tết ngắn hơn so với người Việt Nam. Dịp lễ này thường kéo dài trong vòng 3 ngày tính từ ngày giao thừa, mùng 1 và mùng 2. Thậm chí có nhiều người vẫn đi làm tăng ca vào những ngày này.

Tục cúng ông Công, ông Táo

Tết Nguyên Đán của người Việt có lẽ bắt đầu bằng việc dâng hương cúng ông Công, ông táo vào ngày 23 tháng Chạp. Trong quan niệm của ông cha ta, an cư mới lạc nghiệp, vì vậy ngôi nhà đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Người Việt có tục cúng Ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp

Trong đó, khu bếp là nơi quan trọng nhất, bởi vì từ đó mới nấu ra những món ăn ngon lành nuôi sống cả gia đình. Theo đó, Táo Quân là vua bếp, chính là những vị thần quyết định phúc đức của gia đình.

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Chính vì thế, cứ ngày này, người dân ta lại sắm sửa lễ vật, mâm cỗ cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

So với Hàn Quốc, trước kia, người dân nước này cũng có phong tục thờ cúng thần bếp vào ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tục lệ này dần dần mai một, đến nay hầu như không còn được áp dụng nữa.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Người Hàn Quốc ngày nay hầu như không còn giữ tục cúng ông Công ông Táo

Sắm Tết

Cận Tết, các gia đình Việt Nam chuẩn bị dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm lương thực, hoa quả để dùng trong dịp Tết; gói bánh chưng, làm mứt Tết; đi chúc Tết người thân, bạn bè, đồng nghiệp bằng những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng. Công đoạn này thường tốn khá nhiều thời gian và công sức.

Trong khi đó, người Hàn Quốc sắm Tết không nhiều như người Việt. Gần cuối tháng Chạp, họ thường đi chợ Tết để mua thịt cá, rau củ, trái cây,… làm lễ vật cúng đầu năm. Nữ giới phụ trách làm bánh tteok, chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa. Nam giới sửa sang, dán chữ (thường là “phúc”, “long”, “hổ”,…) hoặc tranh sehwa (thường vẽ hình các ông Phúc, Lộc, Thọ hoặc hình con vật như rồng, hổ, kỳ lân,…) lên cửa chính để xua đuổi ma quỷ, cầu phúc cầu an.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Người Hàn Quốc sắm tết không nhiều như người Việt

Giao thừa

Trong đêm giao thừa, các gia đình Việt Nam thường không ngủ mà cùng thức để làm lễ trừ tịch. Lễ trừ tịch là lễ cúng hai vị Hành khiển sẽ diễn ra vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Hai vị một người cai quản năm cũ, một người cai quản năm mới sẽ bàn giao lại công việc trần gian cho nhau.

Ý nghĩa của nghi lễ này là: “tống cựu nghênh tân” có nghĩa là bỏ hết những điều xấu xa và cũ kỹ của năm cũ để đón chào những điều mới mẻ và tốt đẹp nhất của năm mới về nhà. Cũng vào thời khắc này, các gia đình cũng làm lễ thắp hương cúng gia tiên, đồng thời cầu sức khỏe, may mắn tài lộc, an khang thịnh vượng sẽ đến với tất cả thành viên trong gia đình.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Đêm giao thừa của gia đình Việt

Còn tại Hàn Quốc, trong ngày cuối cùng của năm cũ họ sẽ cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, nấu nướng và chuẩn bị những công việc mang tính nghi lễ truyền thống như tắm nước nóng để gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ.

Vào đêm giao thừa, người Hàn Quốc sẽ cùng nhau quây quần lại, không ai ngủ mà thức tới tận sáng bởi người Hàn tin rằng lông mày sẽ bị bạc trắng nếu ngủ vào đêm giao thừa. Họ thức là để thực hiện 2 phong tục: Thứ nhất là làm và treo sàng đuổi quỷ dạ xoa trước cửa nhà để trừ tà ma, xoá đi vận rủi; thứ hai là mua đấu gạo may mắn cũng để treo trước cửa hoặc treo trong bếp để cầu mong phúc lành sẽ tới trong năm mới.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Vào đêm Giao thừa, các gia đình Hàn Quốc thường thức tới tận sáng

Ngày mùng Một

Khi khoảnh khắc giao thoa năm cũ năm mới đi qua, người Việt thường có tục lệ xông đất đầu năm. Thông qua việc lựa chọn một người hợp tuổi với gia chủ là người đầu tiên tới thăm nhà vào ngày mùng Một, điều này sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia chủ trong năm mới. Nhiều người sẽ làm lễ cúng giao thừa, nhiều người lại đi xem bắn pháo hoa, đi nhà thờ, đi chùa hoặc đến các nơi công cộng đông đúc để cùng chào mừng năm mới. Tất nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, những nghi thức đón năm mới 2022 của người Việt sẽ phải cắt giảm rất nhiều.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Mâm cỗ của người Việt những ngày đầu năm

Ngoài ra, những ngày đầu năm, người Việt còn có rất nhiều tập tục kiêng kị như không “khẩu nghiệp” – nói những lời tệ hại, chuyện không tốt, không quét nhà và đổ rác, không làm vỡ đồ đạc và bát đĩa, không vay mượn hay trả nợ, không cho người khác nước và lửa, không lượm tiền rơi ngoài đường, không ăn một số món như thịt chó, thịt mèo, thịt vịt, tôm vì sợ xui xẻo…

Ngày mùng một đầu tiên của năm mới trong Tết cổ truyền người Việt thường được gọi là Nguyên Đán. Với người Hàn họ thường gọi là “Seol” - nghĩa là sự thận trọng trong ngày đầu năm. Nguyên nhân do người Hàn Quốc nghĩ rằng ngày mùng 1 Tết chính là thời điểm khởi đầu của một năm mới, vì thế vận may trong năm sẽ phụ thuộc vào ngày đầu năm mới này.

Theo truyền thống, vào sáng ngày đầu năm, cả gia đình sẽ cùng nhau mặc Hanbok – trang phục truyền thống của người Hàn. Nam giới thì tập trung trong từ đường để thực hiện trà lễ, nữ giới sẽ làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Vào sáng đầu năm, người Hàn thường mặc Hanbok.

Mâm cỗ cúng và ẩm thực cổ truyền

Tết người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ, nếu không có cỗ thì không thể gọi là Tết. Mâm cỗ Việt Nam bao giờ cũng thịnh soạn, nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao, thấp, đầy, vơi khác nhau.

Với Tết cổ truyền Việt Nam, những món ăn được xem là linh hồn của ngày Tết có thể kể đến: bánh chưng, bánh tét, bánh dày, giò lụa, nem rán, dưa hành, thịt đông, gà luộc, canh bóng bì lợn, mâm ngũ quả,… Những món ăn thể hiện ước mong của người dân về một năm mới an khang, thịnh vượng, vật chất đủ đầy, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ dồi dào.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt

Còn theo phong tục của người Hàn Quốc, mâm lễ phải chia làm 5 hàng, với khoảng hơn 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả... Những lễ này được đặt dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Những món ăn đặc trưng của Hàn Quốc vào dịp Tết có thể được kể đến như: Tteokguk (Canh bánh gạo); Bánh Tteok Galbijjim (Sườn bò hầm); Cháo đậu đỏ; Tteokgalbi; Rau ba màu; Japchae (Miến trộn); Bánh Yakgwa; Bánh Yaksik… Tất cả những món ăn đều mang ý nghĩa về sự may mắn, sức khoẻ, tài lộc trong năm mới đang tới.

Những điểm khác thú vị giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc
Cỗ Tết truyền thống của người Hàn Quốc

Lời kết

Ở Việt Nam Tết Âm lịch được coi là ngày lễ lớn nhất trong năm. Chữ “Tết” có nguồn gốc từ chữ Hán “tiết” có nghĩa là đốt tre, mang ý nghĩa gắn kết. Tết cổ truyền của người Việt không chỉ là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình,giữa dòng họ với tổ tiên mà về mặt tâm linh, đó còn là sự kết nối với các vị thần linh như Thần lửa,Thần bếp, Thổ địa,…

Có thể nói đối với cả người Hàn thì Tết cũng là ngày lễ vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên thời gian đón Tết và không khí chuẩn bị Tết của người Việt Nam ta vẫn dài hơn, sôi động và náo nhiệt hơn người Hàn, phong tục, tín ngưỡng, kiêng kị cũng nhiều hơn.