Theo phản ánh tới chuyên trang Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống), chị N. T. T (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, tối 14/7, hai vợ chồng chị T cùng 2 gia đình người thân khác (tổng có 9 người) có hẹn dùng lẩu tại nhà hàng Haidilao cơ sở Vincom Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Trong đó, có bố mẹ chị T đã gần 50 tuổi và người nhỏ tuổi nhất là em họ chị T, sinh năm 2007.

Chị T khẳng định, bản thân chưa có tiền sử đau bụng do thức ăn. Tuy nhiên, sau khi dùng bữa tối và dời nhà hàng lẩu Haidilao về tới nhà, chị T xuất hiện hiện tượng đau bụng âm ỉ. Đến nửa đêm, bụng đau dữ dội hơn và xuất hiện thành cơn đau ở vùng xung quanh rốn. Cơn đau mỗi lúc một dữ dội và không xác định được điểm đau bất kỳ tại ổ bụng, kèm đi ngoài phân lỏng.

Chị T và người nhà phải nhập viện sau khi ăn lẩu tại Hadilao
Chị T và người nhà phải nhập viện sau khi ăn lẩu tại Haidilao. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Không chỉ riêng chị T mà cả chồng và người em họ, chị họ khác cùng dùng bữa đều bị đau bụng.

Theo chị T, như vậy, sau dùng bữa tại Haidilao Vincom Nguyễn Chí Thanh, trong tổng số 9 người thân của chị T tham gia dùng bữa thì có đến 4 người xuất hiện các triệu chứng của hiện tượng nhiễm khuẩn/nhiễm trùng đường ruột.

Du nhập vào Việt Nam từ vài năm trước, Haidilao trở thành cái tên hot bậc nhất trong chuỗi các nhà hàng lẩu đình đám. Trên MXH cũng xuất hiện ngập tràn những đoạn clip ghi lại trải nghiệm tại địa điểm này, video nào cũng viral vì sức hút của cái tên Haidilao, dẫn đến nơi đây trở thành một trong những điểm đến yêu thích của giới trẻ.

Đơn thuốc chuẩn đoán chị T bị nhiễm khuẩn đường ruột.
Đơn thuốc chuẩn đoán chị T bị nhiễm trùng đường ruột. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Tuy nhiên, thời gian qua, thương hiệu lẩu Haidilao là cái tên được người tiêu dùng "réo" rất nhiều bởi nghi vấn liên tục gặp sự cố về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, vào giữa tháng 7/2022, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh và đoạn video clip cũng như chia sẻ của một thực khách sau khi có trải nghiệm vô cùng tệ hại tại nhà hàng Haidilao Ocean Park.

Theo chia sẻ, những vị khách này đã gọi các món ăn trong đó có 2 đĩa thịt dê. Tuy nhiên, sau vài phút thả vào nồi lẩu, 2 đĩa thịt nhanh chóng tan biến vào nồi nước dùng. Thất vọng và lo lắng về chất lượng bữa ăn, nhóm khách đã gọi quản lý nhà hàng tới để phản ánh. Và khi đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ quản lý của nhà hàng Haidilao Ocean Park giải tỏa những thắc mắc của thực khách thì lại càng khiến cư dân mạng lo lắng hơn về chất lượng thực phẩm tại đây.

Mới đầu, nữ quản lý nhà hàng giải thích rằng do nhà hàng đổi công thức chế biến nên có thể miếng thịt dê mới bị như vậy.

Trước lời giải thích của nữ quản lý, thực khách "không chấp nhận lời giải thích về việc nhà hàng thay đổi công thức món ăn, bởi nếu thay đổi công thức thì chỉ là thay đổi công thức chế biến chứ không thể thay đổi chất lượng sản phẩm được. Rõ ràng 3 phút để biến 2 đĩa thịt tươi trở thành món sup thì không thể".

Trước sự bức xúc của nhóm khách tại nhà hàng, nữ quản lý đã lên tiếng xin lỗi: "Ngay từ quy trình ban đầu chúng em đã sai rồi. Món ăn chưa đạt chất lượng, không giám sát về chất lượng mà đã bê cho khách. Chúng em hết sức xin lỗi về điều đó".

Nữ quản lý nhà hàng cũng nói rõ trong clip sẽ miễn phí toàn bộ bữa ăn, sẽ có trách nhiệm giải quyết thêm các tìm hiểu của khách hàng về công thức món ăn, tìm hiểu quy trình... và đảm bảo khi khách có vấn đề về sức khỏe nhà hàng sẽ có người đi cùng.

Khách hàng tố thịt dê tại Hadilao kém chất lượng.
Khách hàng tố thịt dê tại Haidilao kém chất lượng.

Sau khi bị tố phục vụ thịt dê tan thành súp trong nước lẩu, thì vào cuối tháng 7/2022, chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao lại bị một Beauty blogger (người hoạt động trên mạng xã hội chia sẻ bí quyết xu hướng làm đẹp thịnh hành- PV) nổi tiếng - Võ Hạ Linh, tố nhà hàng Haidilao chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (TP Hà Nội) phục vụ món cá mú bị ươn, có mùi tanh hôi. Điều này đã khiến vị thực khách trên cùng bạn mình bị tiêu chảy nặng từ đêm tới sáng hôm sau.

Theo bài viết trên trang Facebook cá nhân của mình, Võ Hạ Linh chia sẻ, vì dĩa cá mú được đặt trên một khay đá to rất lạnh, do đó cô và bạn không ngửi được mùi hôi cho tới khi nhúng vào lẩu và ăn thử. Trước sự việc trên, nữ beauty blogger cho biết vì nghĩ không phải vấn đề gì to tát nên chỉ phản ánh lại với nhân viên và được miễn phí suất cá trên, tuy nhiên, tối về cô và bạn đã bị tiêu chảy.

Võ Hà Linh khẳng định sẵn sàng trích xuất camera để chứng minh những gì cô nói là sự thật. "Có thể cá ươn nhưng để làm khách bị tiêu chảy là em không vui lắm", cô nàng nói trên trang cá nhân của mình.

Trao đổi với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, khi cá bị ươn, thối thì thịt của chúng sẽ nhanh chóng bị phân hủy và sinh ra các độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng ăn phải những loại cá này dễ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy…

"Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã quy định rất rõ việc cấm sử dụng các nguyên liệu đã bị ôi thiu bởi nó sinh ra rất nhiều độc tố. Thế nhưng thực tế, vì ham lợi nhuận mà không ít chủ quán ăn thường mua cả cá ươn, cá chết về để chế biến", TS Thịnh nói.

Chia sẻ với Vietnamnet.vn, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An cho biết, theo Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đồng thời, theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật an toàn thực phẩm 2010.

Người nhà của chị T cũng nhập viện sau khi ăn lẩu tại Hadilao. Ảnh: Gia đình và Xã hội
Người nhà của chị T cũng nhập viện sau khi ăn lẩu tại Haidilao. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như nguy cơ đến từ đâu, tắc trách ở khâu vận chuyển, sản xuất hay từ nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm, tùy từng mức độ, người bán có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. Ngoài ra, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều luật này.

Điều 317 Bộ luật Hình sự quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt tù từ 1 năm đến 20 năm tù.

Trong đó, các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Bồi thường tổn thất tinh thần,… theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015.