Quả cầu gỗ lim nặng 20kg được lưu truyền trong đình làng từ đời này qua đời khác sẽ được 16 thanh niên mạnh khỏe tranh nhau trong phần hội vật cầu nước làng Vân.
Quả cầu gỗ lim nặng 20kg được lưu truyền trong đình làng từ đời này qua đời khác sẽ được 16 thanh niên mạnh khỏe tranh nhau trong hội vật cầu nước làng Vân.

Với giá trị “độc bản” ở Việt Nam, lễ hội vật cầu nước làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm nay, lễ hộ vật cầu nước làng Vân sẽ được tổ chức trong 3 ngày ngày 12,13,14/5 (tức 12, 13, 14 tháng Giáp Thìn, năm Nhâm Dần) tại sân chính của đền thờ thánh Tam Giang (xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) có diện tích khoảng 200m2.

Theo người cao tuổi trong làng Vân, khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục (sau xưng Triệu Việt Vương) đánh đuổi giặc Lương. Khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá.

Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu. Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.

Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Được biết, từ năm 2002 đến nay, chiếu theo lệ làng, cứ 4 năm địa phương tổ chức vật cầu một lần kéo dài 03 ngày tại sân chính của đền thờ thánh Tam Giang. Luật chơi của hội vật cầu nước được tổ chức như sau: 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Hai giáp sẽ tranh nhau quả cầu gỗ lim nặng 20kg để đầy cầu xuống hố của bên đối phương. Mỗi lần cầu được đẩy xuống hố sẽ tính là kết thúc một hiệp.

Theo lệ, ngày 12 sẽ đánh hai cầu (tỷ số hòa), ngày 13 đánh ba cầu (tỷ số 2-1) và ngày 14 đánh bốn cầu (tỷ số hòa).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, năm nay ngoài lễ công bố quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phần hội sẽ gồm rước, đánh cầu, giao lưu hát quan họ truyền thông, đốt lửa trại, các trò chơi dân gian.

Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm tại 5 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của xã và huyện. Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, Lễ hội Vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, hội mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh.

Quả cầu tròn là dương tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đến với lễ hội vật cầu nước, du khách không chỉ được mãn nhãn cùng lễ hội dân gian đặc sắc "độc bản" nơi đây mà còn được thưởng thức rượu làng Vân nổi tiếng với hương vị thơm ngon, dịu êm, mang chất đặc trưng của gạo nếp cái hoa vàng hòa quyện cùng men của vị thuốc Bắc.... tất cả tạo nên nét riêng của loại rượu đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.

Rượu làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng - thứ nếp đặc biệt thơm ngon, hòa cùng men rượu bí truyền của làng Vân được chế biến từ hàng chục vị thuốc Bắc quý hiếm và phải ngâm ủ đủ 72 giờ. Rượu được nấu hoàn toàn thủ công bằng những phương pháp gia truyền và phải trải qua quá trình hạ thổ ít nhất từ 1 năm.