Theo đó, kết luận nêu: “Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ hồ sơ, trình tự, thủ tục để nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa theo đúng quy định".

Trước đó, theo báo cáo dự thảo đề án, việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I; với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước.

Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa, góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.

Theo đó, sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 2 thành phố, (Sầm Sơn và TP Thanh Hóa), 2 thị xã, 22 huyện (giảm 1 huyện) so với trước đây và sẽ có 559 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.

Trong đó, sẽ thành lập 7 phường thuộc TP. Thanh Hóa, gồm: Thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,96 km2 diện tích tự nhiên, 10.478 người của thị trấn Rừng Thông. Thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,30 km2 diện tích tự nhiên, 8.237 người của xã Hoằng Quang.

Thống nhất sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Ảnh minh họa
Thống nhất sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Ảnh minh họa

Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,67 km2 diện tích tự nhiên, 7.122 người của xã Hoằng Đại. Thành lập phường Đông Tiến trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,18 km2 diện tích tự nhiên, 7.504 người của xã Đông Tiến. Thành lập phường Đông Khê trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,51 km2 diện tích tự nhiên, 8.684 người của xã Đông Khê.

Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,38 km2 diện tích tự nhiên, 7.030 người của xã Đông Thịnh. Thành lập phường Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,58 km2 diện tích tự nhiên, 7.081 người của xã Đông Văn.

Trước đó, Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập phường thuộc TP Thanh Hóa nêu rõ, sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, trở thành một đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập TP Thanh Hóa sẽ phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới của cả nước theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị.