Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc quy định phân loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe tại dự thảo Luật được thực hiện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ngoài ra, quy định này đã được thực hiện ổn định từ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và đến nay chưa ghi nhận khó khăn, vướng mắc gì trên thực tế.

Đối với việc lấy mốc tuổi để quy định về giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định: “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cá nhân từ 14 đến 16 tuổi có thể tham gia bảo hiểm. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi “người dưới 18 tuổi” thành “người dưới 15 tuổi” để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với quy định về người thụ hưởng là người thừa kế thì phải có chỉ định thừa kế từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Khoản 3 Điều 40 chỉ quy định trường hợp nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại mới được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế. Quy định tại khoản 2 Điều 28 quy định bên nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao, nghĩa là chuyển giao hợp đồng khi bên mua bảo hiểm vẫn còn sống. Do đó, khoản 3 Điều 40 quy định theo pháp luật thừa kế là phù hợp.

Về cơ sở xác định số tiền bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm trùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 51 dự thảo Luật, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49, trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Đây là quy định nhằm hạn chế trục lợi bảo hiểm khi cùng một tài sản mà bên mua bảo hiểm giao kết nhiều hợp đồng bảo hiểm ở nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Theo đó, bản chất của bảo hiểm không phải để phục vụ cho nhu cầu làm giàu, sinh lợi tiền nhàn rỗi của người tham gia bảo hiểm, mà là để bảo vệ họ trước các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai, nhất là trong trường hợp rủi ro được dự tính là vượt quá khả năng tự chống đỡ của bản thân của người được bảo hiểm, góp phần ổn định hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức đó. Vì vậy, trong trường hợp này, tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Về chi phí giám định tổn thất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật quy định chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu. Trường hợp hai bên chưa thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì đây là tranh chấp dân sự. Do đó, hai bên thực hiện theo quy định hiện hành có liên quan về tố tụng dân sự.

Ngoài ra, về việc xác định đối tượng được nhận tiền bảo hiểm hay tiền bồi thường do doanh nghiệp bảo hiểm trả, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, không phải mọi trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đều trả tiền hay bồi thường cho người được bảo hiểm mà phải tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của dự thảo Luật thì ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài./.