Mới đây, bức tranh “Théâtre D'opéra Spatial” được tạo bởi phần mềm công nghệ AI - Midjourney - của tác giả Jason Allen được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số tại một triển lãm tiểu bang Colorado (Mỹ). Ngay sau đó, giới nghệ thuật đã chia thành 2 luồng ý kiến trái chiều.

Dùng công nghệ AI làm nghệ thuật có phải là nghệ thuật?
Tác phẩm "Théâtre D'opéra Spatial" được tạo bởi công nghệ AI gây chia rẽ dư luận. (Ảnh: Jason Allen)

Sau đây là bốn tranh luận chính xung quanh bức tranh tạo bởi AI đoạt giải thưởng này.

Có phải một hình thức gian lận?

Tác phẩm "Théâtre D'opéra Spatial" là một trong những tác phẩm đầu tiên do AI tạo ra giành được giải nhất trong một triển lãm nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ đã cáo buộc tác giả Jason Allen là “gian lận”.

Về cơ bản, lập luận của họ chính là Allen đã không tạo ra tác phẩm từ chính sự sáng tạo hay kỹ năng của anh ấy mà thông qua một phần mềm công nghệ để tổng hợp rất nhiều tác phẩm của người khác.

Trả lời tời New York Times, Allen cho biết rằng tác phẩm của anh đã được gửi dự thi với cái tên “Jason M. Allen via Midjourney”. Anh đã không lừa dối bất cứ ai về nguồn gốc tạo ra bức tranh này.

Olga Robak, phát ngôn viên của cơ quan giám sát triển lãm của tiểu bang, xác nhận Allen đã tiết lộ đầy đủ về việc sử dụng Midjourney khi gửi tác phẩm của mình. Trong hạng mục nghệ thuật số cũng có quy định cho phép “hoạt động nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một phần của quá trình sáng tạo hoặc trình bày”.

Nghệ thuật do AI tạo ra đã tồn tại trong nhiều năm, với những công cụ ngày càng phổ biến như DALL-E 2, Midjourney, Stable Diffusion…đã giúp rất nhiều nghệ sĩ nghiệp dư có thể tạo ra các tác phẩm phức tạp, trừu tượng chỉ bằng thao tác gõ từ khoá vào ô tìm kiếm.

Trong đó, Midjourney là phần mềm vẽ ảnh dựa trên AI, được phát triển bởi một nhóm kỹ sư do David Holz dẫn đầu. Người dùng nhập mô tả bức ảnh cần tạo và phần mềm trả kết quả trong vài chục giây.

Thay vì phát hành trên kho ứng dụng, Midjourney sử dụng nền tảng Discord để tương tác. Phần mềm đang được thử nghiệm với 25 lần sử dụng miễn phí. Nếu muốn tạo nhiều ảnh hơn, người dùng cần trả 10 USD/tháng để có 200 lần tạo ảnh, hoặc 30 USD/tháng để sử dụng không giới hạn

Đáng nói, hai giám khảo chấm điểm hạng mục này lại không biết rằng Midjourney là một phần mềm AI. Nhưng họ khẳng định họ vẫn sẽ trao giải thưởng cao nhất cho ông Allen ngay cả khi biết trước điều đó.

Dù vậy, rõ ràng những phát ngôn này vẫn chưa thể làm hài lòng giới nghệ thuật tại Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung.

Câu hỏi mấu chốt được đặt ra là liệu việc dùng công nghệ AI để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có phải là một công trình sáng tạo của con người hay không?.

Một hình thức “đạo tác phẩm” công nghệ cao?

Giới nghệ sĩ cũng tranh luận gay gắt về vấn đề đạo đức của nghệ thuật do AI tạo ra. Nhiều người đã chỉ thẳng ra “việc sử dụng các ứng dụng AI về cơ bản là một hình thức đạo văn công nghệ cao”.

Cụ thể, một số nhà phê bình nghệ thuật tin rằng “các công cụ AI có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp với nỗ lực tối thiểu”. Các ứng dụng như DALL-E 2 và Midjourney hỗ trợ người dùng cóp nhặt hàng triệu hình ảnh từ các web mở, sau đó thông qua các thuật toán để nhận dạng các mẫu và mối quan hệ trong những hình ảnh đó nhằm tạo ra những hình ảnh mới theo một phong cách được yêu cầu.

Điều đó cũng đồng nghĩa khi các nghệ sĩ đăng tải các tác phẩm của họ trên Internet, đã vô tình giúp cho các ứng dụng AI dễ dàng “đánh cắp” chúng hơn.

Do đó, nhiều nghệ sĩ không thể chấp nhận một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng việc dùng AI bởi theo họ, đó chỉ là một sản phẩm “tổng hợp” rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.

Việc khẳng định mình là tác giả của một tác phẩm tạo ra từ AI cũng gây tranh cãi bởi nỗ lực sáng tạo của người nghệ sĩ không giống như sáng tạo nghệ thuật thông thường.

Cũng theo tờ New York Times, Allen đã từ chối chia sẻ chính xác từng bước tạo ra tác phẩm “Théâtre D’opéra Spatial” bằng Midjourney như thế nào.

Đáng nói, về phía các nghệ sĩ bảo vệ Allen, họ cho rằng việc sử dụng AI để tạo ra một tác phẩm không khác gì việc sử dụng Photoshop hoặc các công cụ xử lý hình ảnh kỹ thuật số khác. Do đó, sự sáng tạo của con người vẫn cần thiết để đưa ra ý tưởng, sự điều chỉnh phù hợp để tạo ra một tác phẩm đoạt giải thưởng.

Suy giảm tính nghệ thuật của con người?

Tranh cãi về việc dùng công nghệ làm nghệ thuật đã xuất hiện từ lâu. Đơn cử, khi chiếc máy ảnh được phát minh, nhiều hoạ sĩ đã phản đối rất gay gắt. Lý do chính được đưa ra là những công nghệ như vậy đã làm “suy giảm tính nghệ thuật của con người”.

Charles Baudelaire, nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật người Pháp thế kỷ 19, đã từng gọi nhiếp ảnh là “kẻ thù truyền kiếp của nghệ thuật”.

Còn về các tác phẩm được tạo bởi công nghệ AI, phần lớn cũng đặt nghi vấn về việc các tác phẩm này được tạo ra như thế nào.

Chuyên gia công nghệ, nhà văn Andy Baio đã phân tích trong một bài viết gần đây về DALL-E 2 rằng việc AI có thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ như một “phép thuật kỳ diệu” tuy nhiên “cũng cần đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đạo đức nghệ thuật bởi thật khó để theo dõi toàn bộ quá trình tạo ra tác phẩm”.

Jason Allen nói thêm, anh hoàn toàn đồng cảm với những nghệ sĩ lo ngại AI sẽ đe doạ đến nghệ thuật mà họ theo đuổi cũng như công việc của họ. Tuy nhiên, sự công kích này không nên nhắm đến những cá nhân lựa chọn sử dụng DALL-E 2 hoặc Midjourney.

Dùng công nghệ AI làm nghệ thuật có phải là nghệ thuật?
Jason Allen - tác giả của bức tranh đoạt giải. (Ảnh: New York Times/Saeed Rahbaran)

Về vấn đề đạo đức, Allen cho rằng “đạo đức không phải vấn đề của công nghệ mà là vấn đề của con người”.

"Mở đường" cho một loại hình nghệ thuật mới?

Đối với nhóm nghệ sĩ lạc quan, họ kỳ vọng nghệ thuật được tạo ra từ công nghệ AI sẽ trở thành xu hướng nghệ thuật mới.

Theo nghệ sĩ người Argentina, Sofia Crespo, xu hướng mới chính là khi con người viết ra quy tắc để máy tính sử dụng các thuật toán tạo ra những ý tưởng, mô hình nghệ thuật mới.

Trên thực tế, lĩnh vực này đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật. Bằng chứng là nhiều tác phẩm được tạo bởi AI đã đạt mức giá cao trên các sàn bán đấu giá uy tín.

Đơn cử, nghệ sỹ kiêm lập trình viên người Mỹ Robbie Barrat đã bán được tác phẩm có tên gọi "Nude Portrait#7Frame#64" tại sàn đấu giá Sotheby's với giá 630.000 bảng Anh (821.000 USD).

Dùng công nghệ AI làm nghệ thuật có phải là nghệ thuật?
Bức tranh Nude Portrait#7Frame#64 của nghệ sỹ - lập trình viên Robbie Barrat . (Ảnh: AFP)

Các nghệ sĩ như Crespo và Barrat đều khẳng định rằng nghệ sĩ vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, dù phương pháp làm việc của họ không theo cách truyền thống.

Barrat cho biết anh không tạo ra hình ảnh mà tạo ra một hệ thống có thể sản xuất hình ảnh, trong khi Crespo khẳng định cô đã phải sử dụng nhiều dòng code mới có thể mang lại kết quả như ý.

Trên thực tế, việc sử dụng AI để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật không đơn giản như phần lớn mọi người nghĩ. Để tạo ra những hình ảnh phức tạp hơn, các nghệ sĩ kỹ thuật số ngày nay đều làm việc với các siêu máy tính và những hệ thống có tên gọi mạng sáng tạo đối nghịch (GANs).

GANs là tập hợp những công nghệ AI, có khả năng tạo ra hình ảnh từ hướng dẫn ban đầu, đánh giá sản phẩm đầu ra có chính xác như yêu cầu không. Nếu sản phẩm bị lỗi, máy sẽ gửi trả hình ảnh về để hệ thống AI chỉnh sửa.

Ở một khía cạnh khác, các công ty công nghệ vẫn đang nghiên cứu và phát triển công nghệ AI theo hướng mọi người tiêu dùng phổ thông đều có thể tiếp cận.

Ví dụ như Google và Open AI đang mời chào các công nghệ mới có khả năng sáng tạo và tạo ra những hình ảnh chân thực cho người dùng mà không cần đến kỹ năng lập trình. Họ đã thay thế GANs bằng các mô hình AI thân thiện hơn, có thể chuyển đổi các câu lệnh thông thường thành hình ảnh.

Tuy nhiên, nếu ngay cả những người không chuyên về nghệ thuật, thông qua các ứng dụng AI, đều có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuât, thì đó có được công nhận là nghệ thuật hay không khi những người này không hề trải qua quá trình sáng tạo tác phẩm truyền thống như những nghệ sĩ khác?

Hiện tranh cãi này vẫn chưa có hồi kết.