Bệnh sởi là gì?

Theo các chuyên gia y tế hàng đầu, sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường rõ ràng ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối bằng việc nổi các ban da, dạng dát hay sần da xuất hiện theo thứ tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay và có kèm theo triệu chứng sốt cao. Sởi thường phát bệnh khoảng từ 7 đến 14 ngày sau khi bị nhiễm virus. Đây là một trong các bệnh dễ lây lan và gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Mặc dù vậy, nếu được tiêm vaccine định kỳ phòng bệnh cho trẻ cũng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Ảnh minh họa

Thường virus gây ra căn bệnh sởi có 2 loại kháng nguyên đó là :

- Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin).

- Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).

Nguyên nhân của bệnh sởi là gì?

Virus gây ra bệnh sởi nhân lên ở đường hô hấp của con người, chính vì vậy rất dễ dàng lây qua những người khác, cụ thể là bằng những con đường sau :

- Khi người nhiễm virus sởi bị ho hay hắt hơi, nói chuyện với những người khác thì virus sởi sẽ đi ra ngoài không khí bằng những giọt nước nhỏ xíu, mọi người tiếp xúc với người bị bệnh sởi có thể vô tình nhiễm virus và cũng sẽ mắc bệnh.

- Cũng có thể người bệnh làm bắn nước bọt và dính lên những đồ đạc xung quanh. Sau đó có thể người khác chạm và những đồ vật đó rồi đưa tay lên vùng mũi hay miệng thì khả năng lây nhiễm là rất cao.

- Sau khi virus đã vào cơ thể chúng ta, chúng nhân lên ở tế bào biểu môcủa đường hô hấp và các hạch bạch huyết lân cận, sau đó vào máu ( nhiễm virus máu). Theo thống kê chúng ta biết, có đến 90% những người mà chưa có kháng thể sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi.

Vì sao bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch?

Theo công bố của UNICEF, sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Bệnh sởi cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ hoặc ăn uống khi chưa rửa tay.

Vi rút sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường thở của các nạn nhân tiếp theo. Vì thế, một người khỏe mạnh có thể mắc bệnh sởi nếu ở chung với người nhiễm virus sởi hoặc chỉ qua tiếp xúc gián tiếp trong vòng 2 giờ.

Là một bệnh lý có tính chất lây nhiễm rất cao thông qua việc nuốt hoặc hít những hạt dịch tiết đường hô hấp từ một người bị nhiễm thông qua hắt hơi hoặc ho, virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vaccine.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi là gì?

Trong những trường hợp không biến chứng, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.

Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do vi rút sởi. Những điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất.

Ngoài ra, một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh sởi có thể gây ra cho bệnh nhân như:

- Viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi. Đây là biến chứng thường gặp nhất.

- Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân thường do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban hoặc có thể đồng thời trong khi phát bản. Các biểu hiện bao gồm: Sốt cao, triệu chứng nhiễm trùng nặng, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X- quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác ở hai trường phổi.

Viêm phổi nặng là biến chứng của bệnh sởi
Viêm phổi nặng là biến chứng của bệnh sởi. Ảnh minh họa

- Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi. Đây là biến chứng hệ thống thần kinh trung ương, có thể gây tử vong và gây ra nhiều di chứng nặng nề sau này. Biến chứng của bệnh sởi xuất hiện vào tuần đầu khi phát ban. Các biểu hiện bao gồm: sốt cao, co giật, bí đái, đái dầm, rối loạn ý thức dẫn đế đi vào hôn mê. Điều nguy hại là khi có biến chứng viêm não thì sau khi trẻ qua được cơn nguy hiểm tính mạng, cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần về sau.

- Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi. Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã- tình trạng bội nhiễm vi khuẩn xuất hiện muộn do một loại vi khuẩn hoại thư gây nên hoại tử niêm mạc miệng, xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi thối.., viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác.

- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi. Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.

- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.