Đây là kết quả được chia sẻ tại Hội thảo khoa học Chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi tại Việt Nam, do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội.

Công tác phòng chống thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Phát biểu tại Hội thảo, GS TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau khi có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Bộ Y tế đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của CDC Hoa Kỳ và WHO, Việt Nam đã thực hiện điều tra GYTS vào các năm 2004, 2007, 2014, 2022. Kết quả điều tra cho thấy công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Báo động thực trạng gia tăng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử
Thời gian qua Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng thuốc lá cũng như việc hút thuốc lá thụ động giảm.

Cụ thể, việc thực hiện môi trường không khói thuốc, đặc biệt là tại trường học, cơ qua công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sự kiện trong cộng đồng tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá, hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Thống kê cho thấy, hơn 90% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây những bệnh nghiêm trọng.

Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc ở người trưởng thành giảm: tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020. Trong đó, thanh niên độ tuổi 15 – 24 giảm từ 26% xuống 13%. Cụ thể, ở lứa tuổi 13 – 15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Việc hút thuốc thụ động giảm: tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9; tại nhà: giảm từ 59,9% xuống 56 %; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng: Trong 5 năm (từ 2015 – 2020), tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.

Với các kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dung thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

Lo ngại thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên

Dù tỷ lệ hút thuốc lá giảm, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

Thực hiện nghiên cứu về vấn đề này, PGS TS Kim Bảo Giang – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tại Việt Nam đang tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020. Trong đó, nam giới tăng từ 0,4% lên 5,6%, nữ giới tăng từ 0,1% lên 1%, đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%).

Đặc biệt, điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 – 15 tuổi năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi này là 3,5%, so với tỷ lệ năm 2019 là 2,6%. Theo nghiên cứu của WHO, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể.

Đáng lưu ý, xét theo giới tính, tỷ lệ học sinh nam dùng thuốc lá điện từ năm 2019 là 2,6%, tăng lên 4,3% năm 2022. Tỷ lệ học sinh nữ dùng thuốc lá điện tử năm 2019 là 1,5%, tăng lên 2,8% năm 2022. Học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với thuốc lá điện tử, nhất là từ mạng internet.

Báo động thực trạng gia tăng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử
Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng đáng kể trong 3 năm qua.

“Kết quả này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ” – PGS.TS Kim Bảo Giang cảnh báo.

Hiện Bộ Y tế đã có đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, trong đó có thuốc lá điện tử vì những tác hại của các sản phẩm này đến sức khỏe, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Trao đổi về vấn đề này, Ths BS Nguyễn Thị Phương Anh, trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, thuốc lá điện tử có gây hại cho sức khỏe của con người, giống như Heroin, các hoạt chất khác. Nếu để lưu hành các sản phẩm này, dù có kiểm soát, có quy định cũng rất khó trong khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đó.

Theo BS Nguyễn Thị Phương Anh, gần đây, các trường hợp phải đi cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử không hề ít. Thuốc lá loại nào cũng có tác dụng gây hại cho cơ thể; từ thuốc lá truyền thống, thuốc lào, đến xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Các loại thuốc lá đều có các thành phần chung, nhất là Nicotine có thể gây nghiện cho cơ thể. Những người dù không hút thuốc trực tiếp nhưng hít phải khói thuốc do người khác hút vẫn gây hại.

Đặc biệt, các chế phẩm của thuốc lá điện tử có tới 7.000 chất độc và 70 chất hóa học gây ung thư; đặc biệt là chất Hắc ín sinh ra trong quá trình làm nóng, đốt các chế phẩm thuốc lá.

Với thuốc lá điện tử, ngoài tác hại như thuốc lá truyền thống, loại sản phẩm này còn nhiều tác hại khác như: Sử dụng dụng cụ nung nóng hóa chất có thể dễ gây phát nổ; các chất trong tạo mùi trong dung dịch thuốc lá điện tử với đủ loại mùi khác nhau gây hại cho cơ thể…

Đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ còn cho rằng thuốc lá điện tử không gây độc cho cơ thể hoặc ít gây hại. Thậm chí trước đây còn có thông tin cho rằng thuốc lá điện tử có thể dùng để cai nghiện thuốc lá truyền thống. Đây là thông tin hoàn toàn sai lệch, vì các loại thuốc lá đều chứa nicotine và dù ít hay nhiều vẫn gây nghiện. Bởi vậy thay vì nghiện thuốc lá truyền thống, người sử dụng lại chuyển sang nghiện thuốc lá điện tử.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, dựa trên sự nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân đặt trên các lợi ích kinh tế; dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt ở nhóm trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của giới trẻ. Đặc biệt, điều này cũng phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; việc cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự…