Tình hình COVID-19 trong nước và thế giới

Tính từ 16h ngày 24/3 đến 16h ngày 26/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 103.126 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 103.124 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.833 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 70.760 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (9.623), Phú Thọ (4.679), Nghệ An (4.362), Bắc Giang (4.000), Yên Bái (3.995), Lào Cai (3.557), Đắk Lắk (3.443), Lạng Sơn (3.010), Thái Bình (2.865), Hà Giang (2.659), Quảng Ninh (2.640), Quảng Bình (2.626), Bắc Ninh (2.590), Vĩnh Phúc (2.582), Thái Nguyên (2.500), Sơn La (2.384), Tuyên Quang (2.180), Bắc Kạn (2.159), Hải Dương (1.952), Cao Bằng (1.949), Gia Lai (1.945), Cà Mau (1.840), Hưng Yên (1.830), Hòa Bình (1.815), Lâm Đồng (1.786), Bình Định (1.775), Lai Châu (1.671), Vĩnh Long (1.601), Điện Biên (1.542), Quảng Trị (1.537), Ninh Bình (1.521), Hà Nam (1.507), Tây Ninh (1.338), Bình Dương (1.229), TP. Hồ Chí Minh (1.059), Bình Phước (1.045), Phú Yên (938), Trà Vinh (933), Kon Tum (927), Hà Tĩnh (926), Đắk Nông (826), Nam Định (817), Bến Tre (808), Thanh Hóa (766), Thừa Thiên Huế (668), Đà Nẵng (655), Quảng Ngãi (651), Bà Rịa - Vũng Tàu (629), Khánh Hòa (534), Hải Phòng (483), Bình Thuận (375), Quảng Nam (315), Bạc Liêu (227), An Giang (170), Long An (152), Kiên Giang (142), Đồng Nai (105), Cần Thơ (83), Sóc Trăng (78), Ninh Thuận (43), Hậu Giang (39), Đồng Tháp (27), Tiền Giang (11).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 26/3
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 26/3.

Ngày 26/3/2022, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 55.179 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-1.180), Hải Dương (-821), Bình Dương (-770).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+1.945), Nghệ An (+339), Bắc Giang (+280).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 123.363 ca/ngày.

Ngược lại, trên thế giới số ca mắc mới COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại sau khi liên tục giảm kể từ cuối tháng 1/2022. Một số nước châu Á trở thành điểm nóng khi ghi nhận hàng loạt ca mắc mới tăng cao, trong đó có Hàn Quốc. Ở châu Âu, số ca mắc mới tại Anh, Pháp, Đức, Italy… cũng tăng trở lại trong những ngày gần đây. Thống kê cho thấy, gần 90% ca mắc mới COVID-19 trong hai tuần qua là ở châu Á và châu Âu.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã công bố kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch để tạo điều kiện đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài gián đoạn.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch này vẫn chưa kết thúc, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm gia tăng và các biến thể mới xuất hiện có thể né tránh vaccine cho đến khi tất cả các quốc gia đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Kết quả giải trình tự gene trong tháng trước được đăng trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy Omicron đang là biến thể trội nhất, chiếm 99,8% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene. Trong đó, dòng phụ của Omicron là BA.2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với 85,96%.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (175.264.031 ca), tiếp theo là châu Á (136.501.073 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (96.328.440 ca) và Nam Mỹ (55.957.530 ca). Châu Phi (11.689.821 ca) và châu Đại Dương (5.085.775 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Bộ Y tế đề xuất nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine trẻ em

Báo cáo gửi Thủ tướng hôm 26/3, Bộ Y tế cho biết Đại sứ quán Australia tại Hà Nội có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine COVID-19 trẻ em và chịu trách nhiệm vận chuyển, trả chi phí đưa đến Việt Nam.

Số vaccine này sẽ chia làm hai đợt. Đợt một có 0,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna, trong đó các lô Pfizer tăng hạn dùng tới ngày 31/7, các lô vaccine Moderna tăng hạn tới tháng 6 và tháng 7. Australia có sẵn số vaccine này và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4. Đợt hai 4 triệu liều vaccine Pfizer, hạn sử dụng 4-6 tháng, sẽ được chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF, dự kiến cung cấp trong tháng 4.

Bộ Y tế có thể triển khai tiêm chủng ngay từ tháng 4, theo báo cáo. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bên để tiếp tục vận động viện trợ vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đề xuất mua thêm vaccine nếu thiếu.

Vaccine Moderna đang thử nghiệm trên nhóm trẻ nhỏ, chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép tiêm cho trẻ. Theo dữ liệu được hãng công bố hôm 23/3, hai liều vaccine Moderna hiệu quả khoảng 44% đối với nhiễm Omicron ở trẻ em từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi và khoảng 38% ở nhóm trẻ em từ 2 đến 5 tuổi.

Tháng 5/2021, Moderna công bố dữ liệu thử nghiệm 3.732 trẻ 12-17 tuổi tiêm hai liều vaccine. Kết quả, không có ca mắc Covid-19 có triệu chứng ở nhóm này, tiêm một liều vaccine hiệu quả 93% ngừa nhiễm có triệu chứng.

Dữ liệu của vaccine Moderna trên nhóm trẻ 6-11 tuổi chưa được công bố chi tiết. Thông tin được Moderna công bố hồi tháng 10/2021, có 4.753 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi tham gia thử nghiệm. Các em có mức độ kháng thể tương đương với nhóm thanh niên 18-25 tuổi. 99,3% người tham gia có kháng thể sau khi tiêm chủng.

Bộ Y tế đề xuất nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine trẻ em.
Bộ Y tế đề xuất nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine trẻ em.

Bộ Y tế chưa giải thích lý do đề xuất tiếp nhận số vaccine Moderna cho trẻ em. Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Y tế cho biết "Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), Bộ Y tế Canada và Australia khuyến nghị sử dụng vaccine Spikevax (Moderna) để tiêm cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi". Hiện nay, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Zullig Pharma Việt Nam (đơn vị nhập khẩu vaccine Moderna) về việc mở rộng chỉ định cho trẻ em 6-11 tuổi của vaccine này. Cục Quản lý Dược đang xin ý kiến Hội đồng tư vấn cấp phép sử dụng để xem xét cấp phép theo quy định.

Chủ trương tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi được Thủ tướng đề cập đến từ cuối tháng 12/2021. Đến cuối tháng 1, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ và được chấp thuận chủ trương mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer. Đầu tháng 3, Bộ Y tế cho biết chuẩn bị ký hợp đồng với Pfizer tuy nhiên đến nay chưa thực hiện, nhiều lần bị Thủ tướng yêu cầu giải trình và kiểm điểm.

Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ 5-11 tuổi được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp hôm 1/3, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vaccine, liều lượng này bằng một phần ba so với liều tiêm cho người lớn.

Hôm 23/3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời báo chí, cho biết vaccine được cấp phép song diễn biến dịch đã khác so với kế hoạch cũ, số trẻ mắc Covid-19 tăng lên. Một số tổ chức muốn hỗ trợ vaccine cho Việt Nam song chưa nêu cụ thể thời gian và số lượng. Trong khi đó, vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi không thể tiêm cho đối tượng khác, có thể gây thừa hoặc thiếu vaccine; số vaccine đã mua sẽ không được chuyển nhượng, tặng hoặc bán. Vì vậy, Bộ Y tế gặp khó, dẫn đến chậm mua và phải tính toán lại lượng vaccine cần thiết cho trẻ 5-11 tuổi.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 227 triệu liều vaccine, tiêm được hơn 205 triệu. Trong đó, hơn 99% người trên 18 tuổi và 94% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm chủng hai mũi vaccine. Hiện toàn quốc tiếp tục thúc đẩy tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi và mũi hai cho người 12-17 tuổi, hoàn thành trong quý 1.

Bổ sung Vitamin D có giúp ngừa COVID-19?

Vitamin D có ngăn ngừa nhiễm COVID-19 hay không chưa thể khẳng định vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng chắc chắn nếu đủ vitamin D trong cơ thể sẽ giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ trở nặng, tử vong do COVID-19.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết nhiều nghiên cứu gần đây ghi nhận thiếu vitamin D có thể làm tăng mức độ mắc COVID-19 nặng. Về cơ chế tác dụng, vitamin D rất quan trọng, cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ miễn dịch, tăng khả năng kháng virus, vi khuẩn; ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của virus cũng như giúp hệ miễn dịch nhận diện, thích nghi và có phương án tấn công những tác nhân này. Vitamin D điều chỉnh và làm giảm các phản ứng viêm quá mức, như "bão cytokine" gây tử vong ở bệnh nhân nặng.

Theo bác sĩ Khanh, vitamin D giúp trẻ con và người lớn giảm nguy cơ nhiễm cúm, các bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, lao, hen suyễn, kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, trẻ ở trong nhà thường xuyên, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời, nguy cơ thiếu vitamin D rất cao thì việc bổ sung càng cần thiết.

vitamin D giúp trẻ con và người lớn giảm nguy cơ nhiễm cúm, các bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi
Vitamin D giúp trẻ con và người lớn giảm nguy cơ nhiễm cúm, các bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi..

Tương tự, bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cũng cho rằng vitamin D giúp giảm tổn thương thận, phổi, đồng thời bảo vệ não khi mắc COVID-19, góp phần chống thoái hóa não và hỗ trợ phục hồi não sau khi mắc bệnh. Virus gây bệnh COVID-19 sử dụng một men tên là ACE2 để xâm nhập tế bào thần kinh qua hàng rào bảo vệ, kích hoạt chất trung gian gây viêm tổn thương thần kinh trung ương và mạch máu não. Điều này có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa thần kinh, tai biến mạch máu não, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, đẩy nhanh các bệnh lý thoái hóa thần kinh tiềm ẩn...

Bác sĩ Khanh khuyên bổ sung vitamin D đủ để tăng cường miễn dịch, liều thấp dự phòng dùng đều đặn hàng ngày hiệu quả hơn liều cao dùng một lần mỗi 3 hoặc 6 tháng, không chỉ tăng đề kháng mà còn tốt hơn cho xương, cơ bắp, hệ thần kinh... Ở trẻ em, bổ sung tối thiểu 400 IU mỗi ngày, người lớn 800-1.000 IU mỗi ngày. Lưu ý là cơ thể thừa vitamin D có thể gây biếng ăn.

Chọn loại vitamin D có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chính hãng, chuẩn liều, hấp thu tốt. Bổ sung bất cứ thời điểm nào trong ngày, nên ngay trước, trong hoặc sau bữa ăn có chất béo tốt hơn vì vitamin D tan trong dầu. "Để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tăng cường thực phẩm như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, sữa, ngũ cốc... cũng là cách bổ sung vitamin D nhưng khó đủ cho nhu cầu cơ thể", ông Khanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Sơn, người thường thiếu vitamin D là trẻ con, người béo phì, hút thuốc lá, bệnh mạn tính như tim mạch, dạ dày, viêm ruột... Nên hỏi ý kiến bác sĩ để có thể dùng liều cao gấp đôi ngắn ngày nếu trước đó chưa bổ sung hoặc thuộc nhóm dễ thiếu vitamin D.