Theo đó, vào khoảng 22h ngày 5/7, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tiếp nhận 7 trường hợp là người trong cùng một gia đình trú tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những người này có dấu hiệu đau đầu, khô cổ, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói... nghi ngộ độc thực phẩm. Theo người nhà, trước khi nhập viện cả 7 người này cùng ăn tiết canh bò.

Các bác sĩ tiến hành thăm khám, xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và điều trị. Hiện tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được điều trị, theo dõi tại bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết: “7 người bị ngộ độc, trong đó 4 bệnh nhân triệu chứng nặng, mệt mỏi, đau bụng, nôn mửa, còn 3 bệnh nhân tương đối ổn, có triệu chứng của ngộ độc thức ăn do ăn tiết canh. Chúng tôi cấp cứu ban đầu truyền dịch, dùng kháng sinh... Hiện tại bệnh nhân đã ổn định, 4 bệnh nhân nặng qua thăm khám sáng nay đã tỉnh táo bình thường và bớt đau bụng”.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…

Mùa hè với nhiệt độ từ 37 - 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh so với thời tiết bình thường. Mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi...

7 người ở Quảng Bình ngộ độc, nghi ăn tiết canh bò. Ảnh minh họa
7 người ở Quảng Bình ngộ độc, nghi ăn tiết canh bò. Ảnh minh họa

Trong môi trường nắng nóng, nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả...

Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe nhân dân, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua những thực phẩm tươi, có nhãn mác, thời hạn sử dụng lâu dài và chỉ nên mua, sử dụng các thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh; Không để lẫn, chế biến lẫn các thực phẩm sống với thực phẩm chín.

Cần ăn chín uống sôi; hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm sống, tái. Không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, ôi thiu hay có mùi vị, màu sắc lạ. Nên sử dụng thực phẩm ngay sau khi chế biến. Bảo quản kỹ thực phẩm bằng cách che, đậy trong hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh, tránh ruồi, muỗi, nhặng...

Cần hâm nóng thực phẩm sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh; rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ không gian nhà cửa, khu vực bếp của gia đình; luôn rửa tay sạch trước khi cầm nắm, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.