Các chất cấm sử dụng trong TPCN

Thực phẩm chức năng (TPCN) là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng", chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng, có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Về nguyên tắc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu thông trên thị trường đều phải được thẩm định về độ an toàn, công dụng. Tuy nhiên, vì lợi ích, nhiều cơ sở kinh doanh thực hiện phân phối, bán các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm, không được công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý.

Các chất nào bị cấm dùng trong thực phẩm chức năng?
Các chất nào bị cấm dùng trong thực phẩm chức năng?

Theo quy định Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2020 của Chính phủ; Nghị định số 75/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 10/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/09/2021 về việc quy định "Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe".

Các loại chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe bao gồm 55 chất có trong danh mục sau: Beclomethasone; Betamethasone; Budesonide; Clobetasol propionate; Cortisone; Deflazacort; Dexamethasone; Fludrocortisone; Fluocinolone; Flucinonide; Fluorometholone; Fluticasone; Hydrocortisone; Methylprednisolone; Mometasone; Prednisolone; Prednisone; Triamcinolone; Buformin; Metformin; Phenformin; Cetilistat; Fluoxetine; Lorcaserin; Orlistat; Chlorzoxazone; Diclofenac; Doxepin; Ibuprofen; Indomethacin; Ketoprofen; Methocarbamol; Naproxen; Nefopam; Piroxicam; Aidenafil; Benzamidenafil; Dapoxetine; Desmethyl carbodenafil; Dithiodesmethyl carbodenafil; Flibanserin; Hydroxyhomosildenafil; Sildenafin; Sulfoaildenafil; Sulfohydroxyhomosildenafil; Tadalafil; Vardenafil; Chlorpromazine; Chlorpheniramine; Cyproheptadine; Furosemide; Hypothiazid; Aromatase inhibitor; Salbutamol; Terazosin hydrochloride.

Một số chất cấm thường được sử dụng trong TPCN và tác hại của chúng

Sử dụng thực phẩm chức năng chứa chất cấm có thể đãn đến các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe
Sử dụng thực phẩm chức năng chứa chất cấm có thể dẫn đến các vấn đề nguy hại về sức khỏe

Sibutramine

Sibutramine là một loại tân dược, không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Đây là loại chất cấm gây các tác động xấu tới tim mạch như làm gia tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Tuy nhiên, chất này lại hay bị lạm dụng trong các sản phẩm giảm cân do có tác dụng gây giảm cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác no.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Ngày 14/4/2011, Sibutramine cũng bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL. Đồng thời đình chỉ lưu hành và rút đăng ký, thu hồi tất cả các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Tại Singapore, hoạt chất Sibutramine từng được kê đơn thuốc giúp giảm cân, nhưng sau đó cũng đã bị cấm tại từ năm 2010.

Phenolphtalein

Phenolphatalein được biết là chất làm tăng khả năng nhuận tràng, thúc đẩy quá trình đào thải diễn ra ồ ạt. Ngoài ra, Phenolphatalein còn làm tăng khả năng trầm cảm, gây nguy cơ ung thư và cũng có thể gây suy tim sung huyết hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành.

Sildenafil

Sildenafil là hoạt chất có trong các thuốc điều trị rối loạn cương dương là viagra (sildenafil). Vì là thuốc điều trị, không phải là chất kích dục nên việc sử dụng như thế nào, thời gian bao lâu đều phải được bác sĩ chỉ định căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi, không thể sử dụng tùy tiện.

Ngay cả với những trường hợp được chỉ định dùng các thuốc này cũng có thể dẫn đến các phản ứng. Mức độ nhẹ có thể chóng mặt, nhức đầu, tăng huyết áp, tăng nhịp tim còn nặng hơn có thể bị suy thận, suy gan, cương cứng dương vật kéo dài, thậm chí hoại tử, nhiễm trùng dương vật...

Sennoside

Sennoside là tân dược dùng trong các thuốc có tính nhuận tràng, chỉ định dùng theo đơn.

Quy định sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng bị xử phạt như thế nào?

Việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng là hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do chưa bị xử lý thích đáng, mà chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng vẫn diễn ra thường xuyên. Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận, đã bất chấp các quy định của pháp luật, sử dụng các chất cấm vào trong thực phẩm chức năng.

Theo ông Phong, sau khi Bộ Y tế ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong kinh doanh thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng các chất cấm này trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, xử phạt nặng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả những hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định cụ thể của pháp luật.

Ông Phong cho biết thêm, Cục An toàn thực phẩm cũng đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm chức năng; kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, ông Phạm Văn Hinh, Trưởng phòng Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, Điều 317, Bộ luật Hình sự quy định, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Một số sản phẩm TPCN chứa chất cấm đã bị cảnh báo
Một số sản phẩm Thực phẩm chức năng chứa chất cấm đã bị cảnh báo và thu hồi

Một số sản phẩm TPCN chứa chất cấm đã bị cảnh báo và thu hồi

Trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có cảnh báo hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm có thể gây hại cho người dùng. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng 07 thực phẩm chức năng sau đây và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

Theo đó, có 7 loại TPCN mà Việt Nam nhận được cảnh báo từ Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) là:

1. Hamer Candies: Bào chế dạng kẹo; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do chứa chất N-desmethyl tadalafil (một tân dược được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới và là thuốc điều trị theo đơn).

2. Coco Curv: Bào chế dạng gói bột; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine 14,92 mg/gói.

3. Choco Fit: Bào chế dạng gói; nhà sản xuất Body Perfector Resources P.O Box 6243, Persiaran Dato Menteri, 40000 Shah Alam, Selangor; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine.

4. Nutriline Thinsline: Bào chế dạng gói bột 15g; nhà sản xuất Nutriline Concept Sdn. Bhd; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine 14 mg/gói, 11,12 mg/gói.

5. Nutriline Cleansline: Bào chế dạng gói 10 g; phân phối bởi Nutriline Wellness S Bhd. (nhà buôn), Nutriline Concept Sdn. Bhd. (nhà bán lẻ); lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sennosides 11,84 mg/gói, 8,29 mg/gói.

6. Wholly Fitz "PASSION LEMON TEA" withGuarana Powder and Hoodia Gordonii Extract: Bào chế dạng gói 15 g; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do sản phẩm có sibutramine 14,62 mg/gói và 13,14 mg/gói.

7. Kimiso Dark Chocolate: Bào chế dạng gói 15 g; không có thông tin về nhà sản xuất; lý do thu hồi là do sản phẩm có chất sibutramine 1,44 mg/gói và chất diphenhydra mine 8,44 mg/gói.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.

Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...