Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết các luật liên quan tới thị trường bất động sản là luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản và 2 điều 200, 210 của luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp tháng 1/2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương. Thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Chính phủ đã báo cáo về tiến độ ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa.

Không để xảy ra tình trạng thông tư "chờ" nghị định, văn bản của địa phương "chờ" văn bản của trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024.

Chính phủ chịu trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.